(TSVN) – Năm 2023, Bạc Liêu đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD. Để có kết quả này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ tôm. Hướng tới xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày càng phát triển. Ảnh: ST
Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, năm 2023 nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao do nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nhiều tín hiệu lạc quan. Giá tôm có xu hướng tăng tạo tâm lý phấn khởi cho người nuôi. Việc ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày càng phát triển, cùng với sự chủ động trong khâu kiểm soát môi trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững hơn. Trong tháng 12, diện tích nuôi trồng thủy sản là 85.983 ha, lũy kế 12 tháng đạt 145.451 ha, sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 35.695 tấn, ước cả năm 343.410 tấn, đạt 102,33% kế hoạch, tăng 21,04% so cùng kỳ (trong đó, sản lượng tôm đạt 224.697 tấn, đạt 100,76% kế hoạch, tăng 32,86% so cùng kỳ).
Về khai thác, đánh bắt thủy sản, tỉnh đẩy mạnh khai thác, đánh bắt, khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu thuyền và tuyên truyền người dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tăng cường công tác kiểm tra, đăng kiểm tàu cá, các điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Sản lượng khai thác trong tháng đạt 3.350 tấn, lũy kế cả năm 117.550 tấn, đạt 93,89% kế hoạch, giảm 0,96% so cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho biết ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được đẩy mạnh trong nuôi thâm canh. Đó là ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước nuôi tôm trong nhà kín; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao; ứng dụng công nghệ Biofloc. Công nghệ nhà màng chủ yếu của Israel và nhà thép của Lysaght Agrished, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn của Đức, Mỹ.
Giải pháp phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu triển khai, ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn. Đồng thời làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo về thị trường, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, trong tháng cuối năm 2023 và thời gian tới tỉnh “tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Chú trọng hướng dẫn các giải pháp quản lý môi trường phòng chống dịch bệnh, giảm thiệt hại cho tôm, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, nuôi tôm theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm mang thương hiệu Bạc Liêu.
Năm nay cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD. Ước đến cuối năm 2023 xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt trên 95.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh ước đạt hơn 973 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,26% so cùng kỳ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn do tác động từ hậu quả của dịch Covid-19, suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm; giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ…
Vượt khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh đã tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Anh Dũng
Ba mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Bạc Liêu là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm - chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu hết đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.