(TSVN) – Tại huyện Hòa Bình, mặc dù các dự án nhà máy điện gió đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nhưng hiện vẫn còn nhiều cống tạm, khiến nguồn nước nơi đây bị tắc nghẽn, tù đọng và gây ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân.
Theo phản ánh từ các hộ dân nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, nhiều năm nay, người dân địa phương gặp khó khăn trong việc lấy nước vào ao tôm để phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do đơn vị thi công đường vào các trụ tuabin điện gió (thuộc công trình nhà máy điện gió của Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu) đắp đường làm cống. Tuy nhiên, do đường ống cống nhỏ trong khi các tuyến kênh thủy lợi không được nạo vét thường xuyên nên lượng nước dẫn vào không đủ cung cấp cho việc nuôi tôm công nghiệp. Do đó, hơn 2 năm nay, việc lấy nước phục vụ nuôi tôm của người con gặp nhiều khó khăn, nên nhiều người đành ngậm ngùi “treo” ao.
Tình trạng thiếu nước phục vụ nuôi tôm đã xảy ra hơn 2 năm nay, gây nhiều khó khăn cho người dân huyện Hòa Bình (Ảnh minh họa). Ảnh: ĐĐK
Ông Tô Vũ Linh (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh) cho biết, đường cống dẫn nước bị nghẹt bít, kênh cạn nước, nguồn nước còn lại do không lưu thông bị ô nhiễm không thể nuôi tôm được. Do thiếu nước lâu ngày, nguồn nước tù đọng bị ô nhiễm, dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, giảm năng suất. Ông Linh có 5 ha để đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh thế nhưng do thiếu hụt nguồn nước nên thời gian qua chỉ sản xuất được 5 ao. Trong khi tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng phải trả hàng trăm triệu đồng khiến ông rất lo lắng.
“Trên địa bàn huyện hiện có 2 dự án điện gió đã đưa vào hoạt động, nhưng còn hơn 10 tuyến lấp đường làm cống tạm qua các kênh cấp 3, cấp 3 vượt cấp. Đây là những tuyến kênh chính dẫn nước cho các hộ dân phục vụ cho nuôi tôm. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, huyện, bà con đều rất bức xúc và yêu cầu địa phương làm việc với các nhà máy điện gió để tháo dỡ các công trình tạm này để trả lại hiện trạng ban đầu. Lãnh đạo UBND huyện cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện 2 công ty điện gió. Phía doanh nghiệp hứa sẽ làm lại các cống hộp để đảm bảo nguồn nước sản xuất. Hiện, Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu đã nạo vét 2 đầu cống ở trụ sở công ty và cống mương để khơi thông nguồn nước. Thời gian tới, địa phương tiếp tục làm việc với 2 đơn vị điện gió yêu cầu nạo vét các cống còn lại hoặc phải làm lại bằng các cống hộp để đảm bảo nguồn nước cho người dân nuôi tôm”, ông Cổ Tâm Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình chia sẻ.
Một trong những thế mạnh đặc thù và dẫn đầu tỉnh Bạc Liêu của huyện Hòa Bình chính là phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh. Thời gian qua, địa phương khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tập trung xây dựng vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A trở thành Trung tâm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là 2.000 ha; có trên 30% diện tích nuôi trồng thủy sản được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 95.000 tấn (trong đó tôm 71.800 tấn), sản lượng tôm nuôi 70.000 tấn; tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 3,5 – 4%/năm; giá trị gia tăng bình quân từ 3,3 – 3,8%/năm.
Lê Loan