THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Bạc Liêu: Nuôi cua đinh vỗ béo trong bể kính “lãi đậm”

Chưa có đánh giá về bài viết

Với diện tích chỉ khoảng 3.000m2 nuôi cua đinh, anh Đặng Long Hồ (30 tuổi, ngụ xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) thu lãi gần 2 tỉ đồng/năm.

Anh Hồ cùng đàn cua đinh bố mẹ chất lượng tại trại.

Sau 10 năm kiên trì gắn bó với cua đinh, anh Hồ đã xây dựng được trang trại cua đinh trong bể kính lớn và hiện đại bậc nhất miền Tây với tổng diện tích trên 3.000m2, sức chứa 8.000-10.000 con cua đinh. Năm 2014, sau thời gian nuôi cá sấu không đạt hiệu quả. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy cua đinh dễ nuôi, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, anh quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ loại vật nuôi này, anh mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi cua đinh. Sau đó, nhập thêm con giống từ Thái Lan về vừa bán, vừa nhân đàn. Đến nay, trang trại anh luôn duy trì số lượng hơn 5.000 cua đinh bố mẹ, hậu bị.

Mỗi năm cơ sở của anh đều nhập cua đinh giống từ Thái Lan về nhân giống và nuôi thương phẩm. Tuy giá trị kinh tế không cao bằng cua đinh Việt Nam, nhưng ưu điểm của cua đinh Thái Lan là tốc độ sinh trưởng nhanh và số lượng dồi dào hơn nguồn con giống trong nước, tỷ lệ nuôi đạt từ 85%. “Với kinh nghiệm nuôi cá sấu và chuồng trại sẵn có, tôi chuyển đổi để nuôi cua đinh và đạt hiệu quả. Ngoài mua giống trong nước, tôi còn tìm được mối từ Thái Lan để nhập liên tục nguồn con giống về nuôi nhân đàn phát triển quy mô trang trại và bán giống lại cho người dân địa phương”, anh Hồ cho biết.

Khi đã thành công nuôi cua đinh trong bể xi măng, anh Hồ lại tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nuôi bể kính vỗ béo bán thương phẩm. Trước khi cho cua đinh vào cần dùng chuối chín và cây chuối ngâm nước trong bể khoảng 2-4 tuần. Sau đó, tiến hành vệ sinh bể, đưa nước vào xử lý để pH còn khoảng 7 độ mới thả con giống. Hiện tổng số bể xi măng khoảng 50 bể. Riêng bể kính khoảng 1.000 bể. Một bể chỉ thả nuôi vỗ béo 1 con cua đinh. Mực nước trong bể khoảng 10cm, được lắp đặt hệ thống thay nước, vệ sinh bể và hộp đựng thức ăn đồng bộ. “Cua đinh sinh sản được nuôi trong bể xi măng, còn vỗ béo bán thương phẩm thì nuôi trong bể kính. Trong bể xi măng, nuôi theo dạng quần thể hoặc ghép cặp, số lượng khoảng 3 con cái, 1 đực vào chung bể có diện tích khoảng 2-4m2. Cua đinh khi nuôi trong bể xi măng đạt khoảng 1kg, tôi sẽ chuyển lên bể kính nuôi mỗi bể 1 con để vỗ béo”, anh Hồ tiết lộ. Khi nuôi trong bể kính, cua đinh sẽ được cho ăn cám công nghiệp (loại 40% đạm). Nuôi khoảng 1 năm, cua đinh đạt trọng lượng 7-8kg thì xuất bán thịt. Ưu điểm nuôi cua đinh trong bể kính dễ quan sát, chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt, chất lượng thịt tốt hơn nuôi dưới bể xi măng. Anh Hồ còn nghiên cứu thành công thêm hệ thống thay nước và cho ăn tự động để lắp đặt vào bể nuôi. Nhờ đó, giúp tiết kiệm được thời gian chăm sóc. Cua đinh nuôi khoảng 3,5 năm có thể cho sinh sản. Một năm cua đinh sinh sản khoảng 3 đợt, mỗi đợt đẻ từ 8-12 trứng.

Để nuôi đạt hiệu quả, cua đinh sinh sản tốt thì khâu chọn giống quan trọng nhất. Cua đinh phải không gù, không dị tật, không quá béo… Đặc biệt khâu nuôi con giống và nuôi thương phẩm phải có cách thức nuôi khác nhau. Mỗi năm, anh xuất bán từ 30.000-40.000 con giống, giá bán 350.000 đồng/con, giá cua đinh thịt từ 400.000-460.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh thu lãi gần 2 tỉ đồng/năm. Hiện cơ sở anh đã hoàn thành hồ sơ cần thiết để xuất cua đinh thịt và cua đinh giống sang nước ngoài. Sắp tới, anh Hồ sẽ có đơn hàng cua đinh đầu tiên xuất đi Nhật Bản.

Anh Hồ còn thực hiện bao tiêu, thu mua cua đinh hỗ trợ người dân địa phương có đầu ra ổn định. Ngoài ra anh còn tận tình hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho những người trẻ muốn khởi nghiệp từ con cua đinh. Ngoài nuôi cua đinh, anh Hồ còn nuôi chồn để bán giống. Hiện anh sở hữu đàn chồn hương hơn 100 con bố mẹ, chuẩn bị xuất bán con giống ra thị trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Nguồn: Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!