T5, 25/07/2024 09:30

Bạc Liêu: Quyết liệt chống khai thác IUU: Vì một nền thủy sản phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Quyết liệt cho công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Bạc Liêu tập trung đợt cao điểm và kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá “3 không” ra khơi. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp để chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC.

Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các tàu hoạt động trên biển.

Tuyên truyền đi đôi với kiểm soát

Có chiều dài bờ biển 56km với 16.000ha bãi bồi ven biển, Bạc Liêu cũng có một ngư trường rộng lớn gần 40.000km2 với trữ lượng hải sản đa dạng, phong phú về chủng loại. Sau gần 7 năm cùng cả nước chống khai thác IUU (từ năm 2017 đến nay), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Bạc Liêu đã thể hiện sự quyết tâm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến hành động thực tiễn. Mới nhất, ngày 4/6/2024, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 137 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và Nghị quyết 52 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản. Trước đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về phòng, chống khai thác IUU với mục tiêu khẩn trương khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác quản lý, phát triển ngành Thủy sản; đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến 1.531 lượt chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân; tổ chức các lớp tập huấn công tác tuyên truyền chống khai thác IUU và triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cho cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng, kiểm tra kiểm soát tại cảng cá, phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế và các doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân. Song song với công tác tuyên truyền, ngành chức năng cũng thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU. Qua các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển và tại các cửa biển, cảng cá, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với số tiền 210 triệu đồng.

Từ tinh thần quyết liệt của ngành chức năng, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU ngày càng được nâng lên. Ngư dân Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Nhờ được tuyên truyền nên anh em ngư phủ ý thức được cảnh báo thẻ vàng của EC. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau chỉ khai thác ở ngư trường nước mình, không vi phạm khai thác sang vùng biển nước bạn”.

Lực lượng Kiểm ngư mở đợt kiểm tra, kiểm soát và tặng cờ cho các tàu hoạt động trên biển. Ảnh: M.Đ

Kiểm soát chặt tàu cá xuất, nhập cảng

Trên thực tế, tuy việc triển khai các khuyến nghị của EC đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Toàn tỉnh vẫn còn 22 chiếc tàu cá chiều dài từ 15m trở lên chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), có 114 chiếc tàu nguy cơ cao vi phạm IUU (trong đó, vùng bờ 59 chiếc, vùng lộng 29 chiếc và vùng khơi 26 chiếc). Việc thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về IUU trên biển còn hạn chế. Ngoài ra, việc kiểm tra tàu cá xuất bến, cập cảng chưa đảm bảo nội dung, tỷ lệ kiểm tra theo quy định, việc kiểm tra chủ yếu dựa vào hồ sơ, khai báo của chủ tàu. Nhận thức của người dân về IUU có nâng lên, nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên một số ngư dân vẫn cố tình vi phạm, trong khi công tác xử lý, xử phạt của cơ quan chức năng và các địa phương đôi lúc còn chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe. Các phương tiện, lực lượng, tài chính cũng chưa đảm bảo để thực thi tốt khuyến cáo chống khai thác IUU…

Khó khăn lớn nhất trong việc chống khai thác IUU là việc xác minh để xử lý tàu cá vi phạm. Một số chủ tàu, thuyền trưởng dù đã được tuyên truyền về chống khai thác IUU nhưng chưa chấp hành đầy đủ các quy định như: khai báo xuất nhập cảng, ghi và nộp nhật ký khai thác…

Khắc phục các vấn đề này, những giải pháp trước mắt được ngành chức năng xác định là tập trung theo dõi, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU. Cụ thể, cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFisbase); quản lý chặt chẽ tàu cá mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ trong và ngoài địa phương. Theo dõi, kiểm soát, quản lý tất cả các tàu cá không đủ điều kiện theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu xuất nhập bến; kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tàu cá không đủ điều kiện cố tình tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, theo dõi, giám sát 24/24 giờ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS; lập danh sách theo dõi, xử lý các tàu cá vi phạm quy định về VMS. Với các tàu mất kết nối VMS dài ngày, đặc biệt các tàu cá mất kết nối VMS gần ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước sẽ được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm. Lập danh sách các bến cá tư nhân trên địa bàn tỉnh; giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ thủy sản khai thác tại cảng cá hoặc bến cá tư nhân để giám sát và truy xuất nguồn gốc.

Tàu thuyền được kiểm tra đảm bảo các điều kiện trước khi ra khơi.

Tỉnh cũng sẽ triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc và nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận, giấy xác nhận nguyên liệu và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Đảm bảo theo dõi, kiểm soát được tình trạng đội tàu cá, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp. Ban quản lý cảng cá hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng cập nhật đầy đủ dữ liệu lên các Cơ sở dữ liệu quốc gia. Sắp xếp hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận và giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản…

Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản trên các vùng biển và tại các cửa biển, cảng cá, khu vực có liên quan và tuyên truyền về khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Xử phạt 100% các hành vi khai thác IUU được phát hiện theo quy định của pháp luật.

Về lâu dài, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành Thủy sản vẫn cần được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và tai mắt của Nhân dân, các kênh giám sát để nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài như Chỉ thị 32 của Ban Bí thư đã nhấn mạnh.

Hiện toàn tỉnh có 814 chiếc tàu cá đã được đăng ký. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 445 chiếc, tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m là 177 chiếc, tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m là 192 chiếc. Số tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 744/814 chiếc, đạt 91,40% so với tổng số tàu đã đăng ký; còn 70 chiếc tàu chưa có giấy phép khai thác nằm trong danh sách tàu không khai thác và mất tích. Toàn tỉnh còn 25 chiếc tàu bán sang các tỉnh khác nhưng chưa làm thủ tục xóa đăng ký, rút hồ sơ về tỉnh khác đăng ký lại theo quy định. Có 100% tàu tham gia khai thác thủy sản có gắn thiết bị giám sát hành trình. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển; làm thủ tục đăng ký, kiểm chứng được 6.996 lượt phương tiện, 42.109 lượt thuyền viên. Tỉnh cũng công bố danh sách tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh; thông báo danh sách, cập nhật thường xuyên tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU cung cấp cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan trong và ngoài tỉnh để phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ, không cho xuất bến tham gia khai thác thủy sản nhằm ngăn ngừa vi phạm. Xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với 100 giấy, khối lượng gần 1.274 tấn. Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho 140 giấy với khối lượng hơn 1.805 tấn.

Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều:​ Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng cấp bách

Thời gian qua, chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, thực thi pháp luật; nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tích cực, các vi phạm giảm dần. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, cần phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác chống khai thác IUU trước khi thanh tra lần thứ 5 của EC sang Việt Nam (dự kiến vào tháng 10/2024). Đây là thời điểm để tỉnh chung tay cùng cả nước quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU. Việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” EC chỉ là bước đầu, về lâu dài, Bạc Liêu xác định “Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phấn đấu Bạc Liêu phải trở thành tỉnh mạnh và giàu từ biển.

Vì vậy, công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành Thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp, vừa tuyên truyền, vận động, theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại các cửa biển, đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ và thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định. Điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU ngắt kết nối VMS, tháo gỡ, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ, đăng ký lại theo quy định….

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – Phạm Văn Mười:​ Kiên quyết không cho ra khơi đối với các tàu không đủ điều kiện

Tỉnh đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện các đợt tuần tra, kiểm soát trên biển; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển của tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ: đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, đánh dấu tàu cá, kẽ số đăng ký, lắp đặt thiết bị VMS tàu cá; kiên quyết không cho ra khơi đối với các tàu không đủ điều kiện…

Minh Đạt – Nhật Minh

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!