Bạc Liêu: Tôm nuôi thiệt hại do nắng nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, hiện tượng nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, thiếu ôxy là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết ở Bạc Liêu. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi còn treo ao vì không đủ nước cấp vào ao nuôi.

Thiếu nước cấp vào ao nuôi

Trong hai tháng gần đây, nhiều hộ nuôi ở dọc tuyến đê biển (đoạn từ xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu đến xã Vĩnh Hậu A – huyện Hòa Bình), dọc tuyến cống Duyên Hải 1 đến cống Chiên Túp 2 (TP Bạc Liêu) phải treo ao hoặc nuôi cầm chừng do thiếu nước phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là trong quá trình thi công các cống ngăn triều nằm dọc theo tuyến này, các nhà thầu đã cho nắn dòng chảy, tạo các đường vòng dẫn nước.

Qua kiểm tra thực tế, Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, nhiều đoạn kênh dẫn nước đầu nguồn phục vụ cho hàng nghìn ha vùng nuôi trồng thủy sản của các hộ dân nằm phía đồng chạy dài từ cống Duyên Hải 1 đến cống Chiên Túp 2 hiện đang bị thiếu nước sản xuất khá nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Để khắc phục tình trạng trên, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc Sở phối hợp với các bên có liên quan nhanh chóng khơi thông dòng chảy ở những điểm nghẽn, tiến hành nạo vét các đoạn kênh bị bồi lắng. Đồng thời, yêu cầu phía đơn vị thi công các cống ngăn triều cần đẩy nhanh tiến độ thi công, phải đảm bảo lưu thông nguồn nước trong quá trình thực hiện công trình, trách gây ách tắc, ảnh hưởng đến việc lấy nước, xả nước của người dân.

Không chỉ các kênh dẫn nước đầu nguồn mà hầu hết các kênh nội đồng dọc theo tuyến này hiện nay cũng bị bồi lắng rất nhiều.

Bên cạnh đó, một số hộ nuôi tôm không quan tâm đến việc giữ gìn môi trường chung, khi tôm nuôi chết và cải tạo ao vuông đã xả trực tiếp ra các tuyến kênh cấp, dẫn nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Khuyến cáo nuôi tôm trong nắng nóng

Để tránh tình trạng tôm chết do nắng nóng, bà con cần giữ nước mặt trảng ruộng trên 0,5 m, giữ mực nước mương bao đảm bảo 1,2 m trở lên. Định kỳ mỗi tuần một lần nên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH, và ôxy… để xử lý kịp thời. Khi nhiệt độ nước quá cao (trên 32oC) tôm sẽ ít hoạt động, ngừng ăn. Trong thời điểm nắng nóng, có sự chênh lệch rất lớn giữa nhiệt độ không khí với nhiệt độ môi trường nước nên lúc này người nuôi tôm tránh thực hiện những hoạt động gây sốc hoặc làm động tôm.

Cần cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi tôm để bù vào lượng nước đã bốc hơi vào thời điểm nắng, bởi khi mực nước trong ao nuôi tôm thấp thì độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, ôxy giảm thấp vào ban đêm dẫn đến tôm thiếu ôxy, dễ bị bệnh.

Trong điều kiện nắng nóng cao độ, người nuôi cần tăng cường Vitamin C để tôm tăng sức đề kháng chống chọi với nắng nóng. Quan tâm độ pH trong ao; độ kiềm phù hợp. Quản lý độ mặn thích hợp cho mô hình tôm lúa lớn hơn 5‰, nếu tôm nuôi ở độ mặn quá thấp hay quá cao trên 30‰ sẽ ảnh hưởng tốc độ phát triển và sự lột xác của tôm; quản lý ôxy thích hợp trên 4 mg/lít…

Lưu ý, khi lấy nước vào ao (ao lắng), cần kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước đạt chất lượng tốt mới lấy vào ao lắng. Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ 7 ngày/lần để làm sạch môi trường, nền đáy ao, duy trì màu nước và phân hủy mùn bã hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường nước trong vuông nuôi tôm.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!