Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã vượt qua khó khăn nhờ mô hình trồng cây năn bộp kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Cây năn bộp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá, mà còn góp phần đa dạng nguồn rau sạch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Mô hình trồng năn bộp của ông Đinh Văn Chung. Ảnh: T.T.H
Với những hộ ít đất sản xuất như anh Đinh Văn Chung (ấp Mỹ Tường I, xã Hưng Phú) thì việc chọn trồng cây năn bộp và nuôi cá nước ngọt được xem là một hướng đi đúng. Anh Chung cho biết: “Mỗi năm, từ việc kết hợp nuôi cá và trồng năn bộp, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi hơn 130 triệu đồng/4.300m2. Trung bình, lợi nhuận từ 1 công năn bộp tương đương với 8 công lúa”. Theo anh Chung, trồng năn bộp không khó, muốn có năng suất cao, bà con phải biết chọn giống năn bộp, định kỳ cứ 15 ngày rải phân với liều 20kg phân DAP + 10 Urê/1.000m2, mực nước trong ruộng trồng năn phải giữ từ 0,4m trở lên, sau 1 năm phải cày xới đất, cấy năng lại.
Cây năn bộp có khả năng thích nghi cao, sống được trên đất nhiễm phèn nên rất dễ trồng. Bên cạnh đó, năn bộp chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch lâu dài, nhẹ công chăm sóc. Mỗi năm, năn bộp cho thu hoạch 8 tháng với năng suất từ 250 – 350kg/công/tháng. Trong khi đó, cá nuôi trong ruộng năn bộp không phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn.
Bên cạnh đó, cây năn bộp còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà con ở đây có thêm nghề nhổ năn bộp thuê với giá 2.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một lao động có thể nhổ từ 40 – 50kg năn, thu nhập từ 80.000 – 100.000 đồng.
Huyện Phước Long hiện có hơn 130 hộ dân thực hiện mô hình trồng năn bộp kết hợp với nuôi cá nước ngọt trên diện tích gần 42ha, tập trung nhiều ở các xã Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông, thị trấn Phước Long.