Bạc Liêu: Xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng tăng trưởng mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt hơn 370 triệu USD, bằng 31,98% kế hoạch và tăng 9,6% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu tôm đông lạnh ước đạt 353,79 triệu USD, bằng 31,31% kế hoạch, tăng 6,93% so với cùng kỳ.

Mở rộng thị trường

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế gần 300.000 tấn/năm. Theo đánh giá của Sở Công Thương Bạc Liêu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã thực hiện các giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời với diễn biến của tình hình tiêu thụ thị trường thế giới. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu. Ảnh: PTC

Hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh đang duy trì tốt tại các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch, nhất là các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường trọng điểm. Đặc biệt, các doanh nghiệp chú trọng nguồn nguyên liệu tôm đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng với tính cạnh tranh cao, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe khi xuất vào thị trường khó tính. Cùng với đó, xúc tiến mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ mới tại Trung Đông, châu Phi, châu Đại Dương…

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo về tình hình xuất khẩu hàng hóa đến các doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như xuất khẩu hàng hóa.  

Áp dụng công nghệ vào sản xuất

Với giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu. Tỉnh có trên 140.000 ha nuôi trồng thủy sản với các mô hình như: siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; thâm canh, bán thâm canh; tôm quảng canh cải tiến kết hợp; tôm – rừng; tôm – lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 – 15 lần so với các mô hình nuôi tôm khác, tạo ra sản lượng tôm nguyên liệu chiếm 1/3 tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 25 công ty, đơn vị và gần 1.000 hộ gia đình đang áp dụng mô hình sản xuất này.

Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao và đáp ứng nguồn nguyên liệu trên địa bàn, Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục  thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào và với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế và nhân rộng các hình thức liên kết này góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm – lúa… tiến tới xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Tỉnh Bạc Liêu tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một số thị trường; giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống: Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!