Bắc Mỹ: “Theo chân” châu Á chọn lọc nhân tạo rong biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Người trồng rong biển Bắc Mỹ đang được khuyến khích sử dụng công nghệ chọn lọc nhân tạo để giữ lại các tính trạng mong muốn và tạo ra giống rong biển có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Lợi ích của rong biển ngày càng được ghi nhận ở Bắc Mỹ. Tại đây, nông dân trồng nhiều loại rong biển khác nhau gồm rong đỏ Dulse, các loại tảo bẹ (bull kelp, ribbon kelp và sugar kelp) dùng trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón. Trong những năm gần đây, nghề trồng rong biển phát triển mạnh mẽ với hàng chục trang trại mọc lên dọc bờ biển New England, Tây Bắc Thái Bình Dương và Alaska. Nông dân Alaska sản xuất hơn 112.000 pound tảo bẹ vào năm 2019, tăng 200% so với vụ thu hoạch thương mại đầu tiền của bang vào năm 2017.

Các chuyên gia rong biển Bắc Mỹ đang kêu gọi nông dân áp dụng kỹ thuật chọn lọc nhân tạo để phát triển giống rong biển thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh WWF

Mục tiêu trước mắt của ngành rong biển Bắc Mỹ là tạo ra những sản phẩm giá trị như chất kích thích sinh học, thức ăn chăn nuôi và phụ gia có khả năng giảm khí methane. Cơ hội dài hạn hơn mà ngành này đang hướng đến là phụ phẩm dinh dưỡng, dược phẩm, protein thay thế, và nhựa sinh học nhưng vẫn đang đối mặt thách thức liên quan đến chi phí sản xuất và rào cản pháp lý. 

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOOA), trồng rong biển là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, cộng đồng và môi trường. Dù tiềm năng không thể phủ nhận, nhưng sự tăng trưởng của ngành rong biển đang ngày càng bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên của đại dương. Tiến sĩ Nichole Price, chuyên gia sinh học biển tại Phòng thí nghiệm Khoa học Đại dương ở Maine cho biết, quần thể tảo bẹ tự nhiên dọc bờ biển Đông Bắc đang biến mất dần do nhiệt độ nước biển tăng. 

Rong biển chọn lọc nhân tạo không phải cây trồng biến đổi gen mà là thế hệ cây mới mang tính trạng mong muốn như tăng trưởng tốt và chịu nhiệt. Ảnh WWF-US

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học Bắc Mỹ đưa ra giải pháp nhân giống chọn lọc, một kỹ thuật không còn xa lạ trong ngành nông nghiệp. Phương pháp này giúp lai tạo những giống rong biển có tính trạng được mong đợi, như tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh, chịu khí hậu khắc nghiệt. Paul Dobbins, một chuyên gia tại Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã cản trở mọi nỗ lực tái sinh thảm rong biển tự nhiên. Do đó, chúng ta buộc phải phát triển được giống rong biển có khả năng chịu nhiệt. Đây là tiền đề quan trọng để duy trì bền vững nghề trồng rong biển ở Bắc Đại Tây Dương và phía Đông Thái Bình Dương. Theo Paul, phương pháp này đã gặt hái thành công ở châu Á, nơi dẫn đầu về sản lượng rong biển trên thế giới. 

Rong biển Hàn Quốc “siêu to và đẹp mắt” nhờ công nghệ chọn lọc nhân tạo. Ảnh: WWF  

 “Nhân giống chọn lọc rong biển không phải biến đổi gen. Đúng hơn, nó giống nghệ thuật “mai mối”, tức là các nhà khoa học sẽ cẩn thận chọn lựa cây rong biển có tính trạng tốt để ghép đôi, và tạo ra thế hệ mới thích ứng tốt hơn với điều kiện đại dương đang thay đổi. Nhờ đó, nông dân sẽ có những giống cây rong biển khỏe mạnh và chịu được biến đổi khí hậu”, tiến sĩ Nichole Price chia sẻ. 

Dobbins cho biết thêm, công nghệ nhân giống chọn lọc rong biển khá mới mẻ ở Bắc Mỹ, nhưng đã được áp dụng ở châu Á từ nhiều thập kỷ trước. Công nghệ này cũng thay đổi toàn bộ diện mạo ngành công nghiệp rong biển của Hàn Quốc. Hiện, khoảng gần 50 giống rong biển đã được chứng nhận canh tác thương mại ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Châu Á đang chiếm 97% sản lượng rong biển toàn cầu, chủ yếu là rong biển nuôi trồng. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 56%, đứng thứ hai là Indonesia 28%, Hàn Quốc xếp thứ 3 với 5%. 

Ngược lại, sản lượng rong biển của Bắc Mỹ chỉ chiếm 1,36%, và 95% trong số này là rong biển khai thác trong tự nhiên. Tương tự, châu Ấu chỉ chiếm 0,8% sản lượng rong biển toàn cầu với 96% thu được thừ tài nguyên thiên nhiên. Theo thống kê của FAO, châu Á đã trồng hơn 34 triệu tấn rong biển vào năm 2019, trong khi châu Mỹ chỉ trồng được 22.865 tấn. 

Tuấn Minh

(Theo Fishfarmingexpert)

>>Nghề trồng rong biển đang bùng nổ trên toàn cầu với sản lượng hàng năm trên 35 triệu tấn, gấp đôi thập kỷ trước. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo 10 thị trường rong biển mới nổi có khả năng tạo ra 11,8 tỷ USD vào năm 2030.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!