Bắc Ninh: Bền vững nhờ nuôi trồng thủy sản VietGAP

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) đã và đang trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gia Bình cho biết: “Huyện Gia Bình có diện tích nuôi thuỷ sản đạt hơn 1 nghìn ha, trong đó hơn 998 ha diện tích nuôi cá thương phẩm. Hết năm 2021, toàn huyện có 125 hộ nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản”.

Nuôi cá lồng áp dụng VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Sở NN&PTNT Bắc Ninh

Điển hình như ông Nguyễn Văn Định (xã Bình Dương). Trên diện tích mặt nước 2,4 ha, ông Định chia thành 3 ao nuôi riêng biệt và áp dụng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt trong kỹ thuật nuôi như: con giống, các yếu tố môi trường nước, độ pH, nhiệt độ, phòng dịch bệnh bằng các chế phẩm sinh học… Ðể đánh giá mức độ phát triển của cá, định kỳ hai tuần một lần ông bắt cá lên để cân đo, ghi chép các thông số. Từ đó, xây dựng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm tỷ lệ thất thoát, tránh việc thức ăn dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường nước… Áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, cá nuôi tại mô hình ông Định ít bệnh, tăng trọng nhanh và cho hiệu quả cao hơn so với cách nuôi truyền thống, sản phẩm đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường tin dùng.

Năm 2018, được Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình hướng dẫn, ông Đào Ích Thình (xã Song Giang) nuôi cá lồng trên sông áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ môi trường sạch, cùng với việc kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi nên chất lượng cá tốt hơn hẳn so với cách nuôi thông thường. Với cách nuôi này, lợi nhuận thu về cao gấp 1,5 – 2 lần so với trước đây. Hiện nay, mô hình của ông Thình đã có 24 lồng cá, năng suất cá nuôi luôn giữ ổn định trong khoảng từ 4 – 6 tấn/ lồng nuôi. Giá trị mỗi lồng cá đạt bình quân đạt 60 – 100 triệu đồng. 

Được biết, trên khu vực sông Đuống đoạn chảy qua xã Song Giang hiện có khoảng 16 chủ hộ đầu tư nuôi cá lồng với tổng số 318 lồng cá các loại, 100% các hộ này đều đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên để nhân rộng mô hình gặp không ít những khó khăn. Theo Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gia Bình cho biết, việc thúc đẩy các hộ chuyển hướng, nhân rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP còn gặp không ít khó khăn như: Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ trong việc ghi chép nhật ký chăm sóc nên nhiều hộ dân thiếu kiên nhẫn để duy trì mô hình này; sản phẩm của hầu hết các hộ chưa có thương hiệu dễ bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, giá cả khó cạnh tranh; tính liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ chưa được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm thực hiện nên sản phẩm chủ yếu là xuất bán qua thương lái thu gom, chợ đầu mối; các sản phẩm chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao…

>> Để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, ngành NN&PTNT huyện Gia Bình tiếp tục cùng các địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định…

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!