Hội Nghề cá tỉnh Bắc Ninh đã góp phần quan trọng đưa Bắc Ninh trở thành địa phương có nghề nuôi cá nước ngọt phát triển bậc nhất miền Bắc. TSVN có cuộc phỏng vấn ông Trần Đình Căn (ảnh), Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh này.
Ông Căn cho biết: Hội Nghề cá tỉnh Bắc Ninh ra đời năm 2001, đến nay đã có 53 chi hội cơ sở với hơn 900 hội viên, trong đó có 2 chi hội chuyên sản xuất cá giống cung cấp cho hội viên. Hội Nghề cá tỉnh trở thành cầu nối đưa chủ trương chính sách liên quan lĩnh vực thủy sản đến hội viên, tuyên truyền hội viên thực hiện.
Hiện, Tỉnh hội đang tập trung thực hiện các quyết định về chính sách phát triển nghề cá Bắc Ninh giai đoạn 2011 – 2015. Chính vì vậy, đang đảm bảo người nuôi cá tham gia Hội được bảo vệ quyền lợi và được hưởng chế độ chính sách. Hội đang vận động đưa khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu giống mới, nuôi cá thâm canh, đẩy mạnh nghề cá của tỉnh phát triển trong giai đoạn tới, tạo bước đột phá trong nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015; chủ yếu nuôi cá thâm canh năng suất cao, đưa giống mới vào sử dụng.
Ông có thể cho biết, hàng năm Hội đã thực hiện những gì đáng kể nhất góp phần phát triển nghề nuôi cá địa phương?
Mỗi năm, khi mùa cá giống đến (khoảng tháng 3), Tỉnh hội và các cơ sở sản xuất giống đều mở hội nghị chuyên đề tiêu thụ cá giống, thực hiện quyết định của Tỉnh hỗ trợ cá giống hằng năm, như: Nhà nước hỗ trợ 50% tiền cá giống cho người nuôi cá thâm canh, để tất cả hội viên đều nắm bắt được chính sách này, đều đăng ký nuôi và được hưởng chế độ. Đây cũng là điều kiện để hội viên thấy quyền lợi. Hội còn là cầu nối, nghe phản hồi chính sách nghề cá vào được cuộc sống hay không, những vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, đáp ứng nguyện vọng hội viên.
Hội có 2 cơ sở cung cấp đủ giống cho nhu cầu địa phương. Đầu vụ, các hội viên đăng ký số lượng và chỉ 2 đơn vị này được cấp giống. Phòng Nông nghiệp hỗ trợ hợp đồng, nghiệm thu. Một số cơ sở như: HTX Thủy sản Nam Sơn chuyên cung cấp giống cá rô phi đơn tính, cá chép lai cho hội viên; Công ty CP Sông Thiên Đức chuyên sản xuất giống cá truyền thống, được các chi hội tập trung mua. Cùng đó, Tỉnh hội kết hợp Chi cục Thủy sản, Phòng Khuyến nông, mở các lớp tập huấn cho các hội viên nuôi cá. Các yêu cầu kỹ thuật, phòng bệnh đều được kiểm tra đầy đủ nên cuối năm nhiều chi hội cá nhân đạt tiêu chí 200 triệu đồng/ha.
Việc xây dựng cơ sở và phát triển hội viên thế nào, thưa ông?
Tỉnh hội mong muốn mọi người nuôi cá đều được vào Hội, được hưởng quyền lợi, chính sách từ Nhà nước. Trước mắt tập trung vào các vùng nuôi tập trung. Tỉnh đã quyết định lập 25 vùng nuôi tập trung 10 ha trở lên. Nơi đã có chi hội thì củng cố phát triển. Nơi chưa có chi hội thì Tỉnh hội cử cán bộ đến vận động thành lập. Năm 2012, đã thành lập 4 chi hội mới trong vùng tập trung, số còn lại năm 2013 giải quyết hết.
Mục tiêu của Hội thời gian tới?
Môi trường sản xuất ngày càng ô nhiễm; nuôi cá thâm canh, nhất là nuôi cá đạt tiêu chuẩn VSATTP, đòi hỏi giải quyết vấn đề này. Giá đầu vào (vật tư, con giống…) đều tăng; sản phẩm bị ép giá. Hội và các hội viên rất mong muốn tổ chức từng bước tiêu thụ sản phẩm cá thịt cho hội viên, để gây dựng niềm tin, sản xuất bền vững.
Năm 2013, phấn đấu mỗi ủy viên BCH chỉ đạo thành lập một hội nghề cá xã. Vùng nuôi thủy sản 10 ha trở lên đều có chi hội. Thời điểm này, đang triển khai gấp lấy cá giống theo hỗ trợ của UBND tỉnh được Nhà nước hỗ trợ 50% tiền con giống, để hội viên đăng ký, đưa vào nuôi cá thâm canh ngay từ đầu, cuối năm thu hoạch đảm bảo năng suất, sản lượng, mục tiêu đề ra.
>> Mục tiêu năm 2013, diện tích nuôi trồn thủy sản toàn tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 5.500 ha, sản lượng ước đạt 34.500 tấn. |