THỨ BA, ngày 29/4/2025

Bắc Ninh: “Hồi sinh” nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Cơn bão số 3 Yagi đã qua đi nhưng những hậu quả nó gây ra cho sản xuất nông nghiệp nhất là lĩnh vực thủy sản hết sức nặng nề. Các cơ sở, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực tái tạo cơ sở hạ tầng, “hồi sinh” nguồn lợi thủy sản để khôi phục lại giá trị kinh tế và bảo vệ các nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Khu vực nuôi cá lồng trên sông Thái Bình tại thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh (Lương Tài) tích cực sản xuất vụ cá mới.

Trên dải sông Thái Bình đoạn qua thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh (Lương Tài) những ngày đầu vụ cá mới, các khu vực nuôi lại tấp nập người chuẩn bị xuống giống. Ông Nguyễn Văn Thích thành viên nhóm nuôi trồng có hơn 40 lồng nuôi cá các loại lăng đen, chép giòn cho biết: “Cơn bão số 3 khiến chúng tôi bị hư hại hơn 10 lồng cá, thiệt hại ước tính gần 5 tỉ đồng. Dù rất nản chí song nghĩ về công sức, vốn liếng gia đình bỏ ra nhiều năm trên khúc sông này, chúng tôi quyết định phải gây dựng lại cơ sở sản xuất, sửa chữa các lồng nuôi, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Vừa rồi tôi nhập gần 70 tấn chép phôi để đưa vào các lồng mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên nguồn giống theo nhu cầu khan hiếm và có giá cao hơn cùng kỳ khoảng 10%. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để xoay sở xuống giống hết số lồng nuôi”.
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Xuân Thu, thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú (Gia Bình), một điển hình về thâm canh cá trong ao đất cũng đang tất bật vệ sinh, chăm sóc tích cực cho đàn nuôi. Với diện tích 1,5 ha mặt nước, ông vừa nhập 3 vạn con giống cá rô phi và 3 vạn cá trắm từ các trại nuôi trồng thủy sản uy tín. Sau khi xuống giống với mật độ vừa phải, ông tập trung rắc khử trùng nước, sử dụng Vitamin C trộn vào thức ăn để tăng đề kháng cho cá: “Khi nước dâng cao sau bão số 3, ao của tôi bị tràn và một số lượng lớn cá thoát ra ngoài. Xác định đây là rủi ro do thiên tai không ai muốn nên tôi chúng tôi nhanh chóng tìm mua loại giống phù hợp để thả cho kịp thời vụ, bảo đảm sản lượng đàn nuôi như trước đây”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, qua nắm bắt, sau cơn bão số 3, đến nay các khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khôi phục sản xuất. Những nơi thiệt hại nặng nề như cá lồng trên sông đã phục dựng lại hầu hết lồng nuôi và đối tượng nuôi, một số còn tăng thêm lồng do giá bán khá cao. Toàn tỉnh có 4.623,4 ha nuôi cá ao đất ước, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lồng nuôi cá trên sông 2.731 lồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng khai thác đạt 270 tấn. Toàn tỉnh sản xuất được 42,7 triệu con giống các loại, tăng 6% so với cùng kỳ. Các đối tượng thủy sản được nuôi chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trắm cỏ,… mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho cơ sở nuôi trồng sau thiên tai.
Đồng hành cùng các hộ nuôi, cơ quan chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật gia cố lồng, ao nuôi, khuyến cáo về lựa chọn đối tượng, mật độ nuôi thả, tránh nuôi tập trung một đối tượng giống gây khó khăn đầu ra; đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp với từng kích cỡ cá. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức quan trắc môi trường và đưa ra cảnh báo cho các hộ nuôi; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh để đưa ra hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Về lâu dài, trong kế hoạch phát triển thủy sản, Chi cục khuyến cáo các cơ sở sản xuất bổ sung thêm các đối tượng như ốc, ếch, trai… trong ao đất hay cá ngạnh, cá trắm đen, cá tầm… đối với lồng nuôi trên sông để đa dạng đối tượng thủy sản, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đối với nguồn lợi thủy sản tự nhiên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ thả cá nhân Ngày truyền thống ngành Thuỷ sản Việt Nam. Trong đó, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh phổ biến về ý nghĩa Lễ thả cá ra tự nhiên, hướng dẫn người dân lựa chọn đối tượng thả cá phù hợp; phối hợp Phòng cảnh sát giao thông lựa chọn khu vực thả cá bảo đảm an toàn. Cùng với đó, Chi cục thường xuyên tuyên truyền về các quy định pháp luật, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Phối hợp kiểm tra và xử lý các vi phạm về sử dụng xung điện, kích điện, hóa chất độc để đánh bắt thủy sản. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các giống thủy sản ở các vùng nước tự nhiên, ổn định số lượng các giống thủy sản và sản lượng khai thác hàng năm.

Song Giang
Nguồn: Báo Bắc Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!