Bắc Ninh: Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thuỷ sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá trắm cỏ là chính có sử dụng sản phẩm được chiết suất từ thảo dược để bổ sung vào thức ăn nhằm hạn chế dịch bệnh do Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai tại xã Phú Lương (Lương Tài) cho năng suất, sản lượng cao, mở ra hướng phát triển, làm giàu mới cho nhiều hộ nuôi cá nói riêng, nuôi trồng thuỷ sản nói chung.

Từ hơn chục năm trước, gia đình ông Vũ Văn Huy ở thôn Lương Xá, xã Phú Lương (Lương Tài) thường xuyên nuôi các loại cá truyền thống như: Trắm cỏ, trôi, chép, mè, rô phi đơn tính, chim trắng… Do sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá với mật độ cao, sản lượng nhiều nên một số vụ xuất hiện tình trạng cá bị dịch, bệnh, chết rải rác, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế.
Tháng 4-2023, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài, gia đình ông Huy áp dụng phương pháp nuôi có sử dụng sản phẩm được chiết suất từ thảo dược để bổ sung vào thức ăn nhằm hạn chế dịch bệnh đối với đàn cá. Với 0,9 ha ao nuôi, ông Huy bố trí cơ cấu đàn cá gồm: 9.000 cá trắm cỏ nuôi ghép với 1.350 cá chép, 900 cá trôi, 450 cá mè và 1.800 cá rô phi đơn tính. Trước khi đưa cá vào nuôi, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông tu sửa bờ bao, nạo vét bùn đáy, bón vôi, phơi khô và lấy nước gây màu bởi ao nuôi của gia đình ông Huy đã khai thác nhiều năm, bùn lắng nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Huy cho biết: “Mặc dù có hệ thống giao thông thuận tiện, đường điện ổn định, nguồn nước sông không bị ô nhiễm, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nuôi cá thương phẩm như nhà kho, máy bơm, thuyền, quạt nước… cũng như có kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm nhưng vấn đề dịch bệnh đối với cá vẫn rất khó kiểm soát, vì vậy khi được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài hỗ trợ triển khai mô hình tôi tin tưởng vào hiệu quả đạt được”.

Tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá của hộ ông Vũ Văn Huy, xã Phú Lương (Lương Tài).

Ngoài được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi, sử dụng thuốc phòng bệnh chiết suất từ thảo dược, chuẩn bị ao nuôi… gia đình ông Huy được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm được chiết suất từ thảo dược để bổ sung vào thức ăn. Theo bà Nguyễn Thị Vân, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài, trước khi đưa cá vào nuôi, phải kiểm tra và điều chỉnh màu nước ao, các thông số môi trường như nhiệt độ, độ PH, Oxy, NO2, H2S…trong giới hạn cho phép, sau khi thả cá yêu cầu các hộ thực hiện khử trùng toàn bộ ao nuôi bằng thuốc tím để bảo đảm cá không bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi ông Huy thực hiện cho cá ăn theo phương pháp 4 định: Định vị trí, định chất lượng, định số lượng, định thời gian”.  Thức ăn sử dụng trong suốt quá trình nuôi gồm: Thức ăn công nghiệp, thức ăn xanh (bèo, cỏ), ngô, thóc. Định kỳ 30 ngày/lần, tiến hành kéo bắt cá lên cân, đo kiểm tra tốc độ tăng trưởng để có sự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh hiện tượng thừa hay thiếu thức ăn. Kết quả theo dõi cá sinh trưởng phát triển tốt, đạt từ 250-350g/tháng, cá có tốc độ tăng tưởng nhanh hơn thời điểm đạt 1kg trở lên, bởi khi đó có sức đề kháng, ăn và chống chịu điều kiện thời tiết tốt hơn. Ngoài sử dụng các loại thức ăn để chăm sóc, trong suốt quá trình nuôi, gia đình ông Huy sử dụng, cho cá ăn và bổ sung thuốc phòng bệnh Cosalin N01 định kỳ 7-10 ngày/lần với liều lượng từ 5-7ml/kg thức ăn bởi theo ông sản phẩm Cosalin N01 chứa thành phần kháng sinh tự nhiên chiết suất từ tỏi, cây Hoàng liên, kim ngân giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn, tăng khả năng miễn dịch, giúp cá khỏe mạnh, lớn nhanh, phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, tăng tỷ lệ sống cũng như năng suất cá nuôi. Việc sử dụng thuốc phòng bệnh Cosalin N01 theo đúng quy trình quỹ thuật và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên cá trắm cỏ, từ đó giúp nâng cao được tỷ lệ sống cho đàn cá.
Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, sau 15 tháng thả nuôi, mô hình  nuôi nuôi cá trắm cỏ là chính có sử dụng sản phẩm được chiết suất từ thảo dược bổ sung vào thức ăn nhằm hạn chế dịch bệnh do Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao triển khai tại xã Phú Lương (Lương Tài) đạt tỷ lệ sống 80% trở lên, trọng lượng cá trắm cỏ trung bình 4 kg/con; cá khác (cá thả ghép) 2 kg/con. Sau khi trừ chi phí mô hình nuôi ghép cá Trắm cỏ với một số loại cá bổ sung sản phẩm được chiết suất từ thảo dược vào thức ăn đem lại thu nhập 550-570 triệu đồng/ha/15 tháng/vụ nuôi, cao gấp 2-2,5 lần so với phương pháp nuôi thông thường 8-10 tháng/vụ.
Kết quả của mô hình không chỉ giúp các hộ tham gia nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nuôi thả cá trên địa bàn tỉnh có thể áp dụng từ đó giúp ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế từ diện tích mặt nước hiện có.

Nguyễn Tuấn
Nguồn: Báo Bắc Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!