Đây là mục tiêu của Trung Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh khi triển khai các dự án, mô hình trình diễn; nhằm đem lại hiệu quả bền vững cho người nuôi trồng thủy sản.
Nhiều hoạt động nổi bật
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh Nguyễn Văn Xuyên cho biết, Trung tâm đã và đang triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư theo đúng tiên độ, cố gắng hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm. Hiện, Trung tâm đã xuất bản và phát hành tới tay người đọc Bản tin Khuyến nông – Khuyến ngư. Xây dựng chương trình “Đồng hành cùng nhà nông” trên Đài PTTH Bắc Ninh, Chuyên mục “Khuyến nông” trên Báo Bắc Ninh. Những tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, hội nghị giao ban Câu lạc bộ Khuyến nông Đô thị, tham dự Hội thi tuyên truyền viên khuyến nông giỏi…
Đối với công tác đào tạo, huấn luyện, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông ToT cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông như: Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi thâm canh, phòng trị bệnh cho cá nước ngọt; hội thảo chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau; đồng thời, giới thiệu các kết quả trình diễn mô hình đã mang lại hiệu quả cao và góp phần nhân rộng tiến bộ kỹ thuật ra phạm vi toàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm đã cử cán bộ, cộng tác viên khuyến nông đi học các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các cơ quan liên quan tổ chức. Bên cạnh đó, còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học nhằm ứng dụng những tiến bộ tiến bộ khoa học mới vào sản xuất và nhân ra diện rộng.
Lựa chọn mô hình phù hợp
Bắc Ninh hiện có khoảng 5.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hàng năm khoảng 33.000 tấn cá. Ngoài các loài cá truyền thống, còn các loại cá có năng suất cao như rô phi đơn tính tại các vùng nuôi tập trung có diện tích từ 10 ha trở lên, năng suất đạt 12 – 15 tấn/năm tại một số huyện như Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ…
Bắc Ninh chú trọng phát triển nuôi đối tượng cho năng suất cao như rô phi đơn tính, cá chép… – Ảnh: Quang Quyết
Để phát triển khuyến ngư của tỉnh, ông Nguyễn Văn Xuyên cho biết, năm 2015, Trung tâm tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn phù hợp với địa phương đồng thời hướng tới phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị cao, từng bước tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá bền vững, thâm canh và chuyên canh cao.
Điển hình trong thủy sản, mô hình nuôi cá chép lai V1 là chính được triển khai tại các huyện Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài và Thuận Thành với 7 hộ tham gia, quy mô 3,5 ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ 80% cá giống. Cá chép được thả ghép cùng một số loài cá khác (mè, trôi, trắm, rô phi…) với mật độ thả trung bình 2 con/m2, cá chép lai V1 chiếm 50%. Cá chép giống thả cỡ 80 – 100 con/kg. Dự kiến sau 8 tháng nuôi, cá chép lai V1 cho thu hoạch với tỷ lệ sống trên 70%, khối lượng cá đạt trên 600 g/con, năng suất ước đạt 8 tấn/ha.
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ; tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá – lúa mới thực sự phát huy hiệu quả. Mô hình được Trung tâm thực hiện tại hộ anh Đàm Văn Dũng (thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ). Trên diện tích 2.000 m2, anh Dũng gieo sạ giống lúa BC15, sau khoảng 30 ngày, bắt đầu thả cá rô phi, mật độ 3 con/m2, xen kẽ cá chép, cá trắm. Kết quả, anh Dũng thu hoạch được 8 tạ cá, cao hơn 3 – 4 tạ so với trước kia. Năng suất lúa cũng cao hơn mà lại không mất nhiều công chăm sóc và chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Từ những điều ghi nhận được, anh Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nuôi trồng khác ở khu vực này và đến nay kết quả chung của các hộ nuôi trồng đều khá tốt.
Ngoài ra, còn có một số mô hình thủy sản khác cũng được Trung tâm triển khai rất hiệu quả như: Mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp; nuôi thâm canh lươn đồng trong bể; nuôi ếch thương phẩm…
Cũng theo ông Xuyên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến nông còn tồn tại một số hạn chế như: các mô hình triển khai còn bị chậm, kinh phí các chương trình còn phân tán chưa tập trung, việc tuyên truyền nhân rộng mô hình có hiệu quả ra diện rộng còn hạn chế… Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh sẽ khắc phục dần khó khăn để những mô hình hiệu quả thiết thực được nhân rộng tại địa phương.
>> Mục tiêu năm 2015 của ngành thủy sản tỉnh Bắc Ninh là đưa diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.500 ha, trong đó, diện tích nuôi cá thâm canh đạt 1.100 ha, sản lượng thủy sản đạt 35.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản theo giá hiện hành đạt 900 tỷ đồng. |