Hơn 3.400 tấn thủy sản ước bị thiệt hại là hậu quả nặng nề do bão số 3 và đợt mưa lũ lịch sử gây ra cho các hộ sản xuất tại Bắc Ninh. Trong đó, có 342 hộ nuôi cá lồng bị bung phao, chìm lồng, thất thoát và chết 1.492 tấn cá là vốn liếng; công sức đầu tư của người dân bị trôi theo dòng nước. Lúc này, những hộ nuôi cá lồng đang rất cần sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần để có thêm động lực tái thiết sản xuất.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh kiểm tra, hướng dẫn biện pháp khôi phục sản xuất tại hộ ông Đỗ Văn Duy, xã An Thịnh, Lương Tài .
Hơn 10 năm bám khúc sông Thái Bình đoạn qua thôn Cáp Hạ, xã Trung Kênh, (Lương Tài), ông Trần Bá Hợi, người có 16 lồng cá chưa bao giờ chứng kiến đợt bão lũ khủng khiếp như vậy. Chỉ trong mấy ngày, bão làm bung rách 3 lồng nuôi khiến cá tràn ra ngoài. Chưa kịp khắc phục sự cố thì sau đó lũ lớn kèm nước chảy xiết, đục, bèo rác khiến cá bị ngạt, thiệt hại khoảng 6-7 tấn. Từ ngày 14-9, khi dòng nước tạm ổn định, gia đình ông khẩn trương kiểm tra lồng, thu hoạch một số cá đủ điều kiện xuất bán. Khi mang lên bờ tiêu thụ “chạy cá”, giá bán còn 1/3 so với ngày thường, như chép giòn còn 30.000 đồng/ kg, thì số tiền thu được chỉ coi như vớt vát phần nào. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hết sức khó khăn do nước chưa rút hẳn, đường giao thông ra khu lồng bè còn ngập nên các hộ phải thuê thuyền vận chuyển cá đến đầu bờ đê, sản lượng vận chuyển thấp.
Ông Hợi bày tỏ: “Trong khi mỗi tháng gia đình tôi mất khoảng 400-500 triệu đồng tiền cám, đầu tư về cơ sở hạ tầng hàng tỷ đồng thì với thiệt hại này, chúng tôi hết sức hoang mang. Rất mong các cơ quan nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư mua con giống, thức ăn để sản xuất tiếp”.
Mấy ngày nay, gia đình anh Đỗ Văn Duy ở thôn Cáp Thủy, xã An Thịnh (Lương Tài) cẩn thận kiểm tra nguồn nước, lồng nuôi để triển khai các biện pháp khắc phục. Nhà anh có 24 lồng cá, ước thiệt hại khoảng 20 tấn cá do thất thoát rách lồng và chết ngạt, thiệt hại chi phí đầu tư ước khoảng 1,7-1,8 tỷ đồng. “Sau khi thu dọn và xử lý hết số cá chết nổi, tôi phải sửa chữa những khung, cầu đã hỏng, chăm sóc đàn cá còn dưới lồng bằng cách vệ sinh lưới, loại bỏ cành cây, rác bám quanh lồng nuôi giúp thông thoáng; tăng cường chạy máy sục khí để bổ sung oxy và dinh dưỡng. Chỉ hy vọng dòng nước sớm trở lại ổn định, để đàn cá dưới lồng còn sinh trưởng tiếp và sinh kế của gia đình được giữ lại phần nào” – Anh Duy cho biết.
Toàn tỉnh có 2.793 lồng nuôi cá trên sông, tập trung chủ yếu trên sông Đuống, sông Thái Bình. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh, sau bão lũ, huyện Gia Bình là địa phương có số thiệt hại lớn nhất với 300 lồng, 1.100 tấn cá; tiếp đó là thị xã Thuận Thành với 68 lồng, 301 tấn cá; huyện Lương Tài với 159 lồng, 86 tấn cá; thị xã Quế Võ 1 hộ, 5 tấn cá. Thiệt hại nguy cơ gia tăng khi đàn cá đã yếu do cầm cự trong mấy ngày nước thiếu ô xy, bị xây xát. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá thu hoạch chạy bão lũ.
Trong ngày 14-9, huyện Lương Tài phối hợp với ngành Công thương tổ chức chuyến “giải cứu” cá lồng cho nhiều hộ ở Trung kênh và An Thịnh. Qua thống kê có 42 hộ nuôi cá lồng với gần 1.700 tấn cá gồm: trắm, chép, lăng, diêu hồng… đang đến kỳ thu hoạch được lập danh sách kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, bếp ăn. Đây là sự động viên hết sức kịp thời tới các hộ nông dân trong lúc khó khăn.
Hiện nay, nước trên sông Đuống, sông Thái Bình đang rút tạo điều kiện cho các hộ bắt tay vào khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh, đơn vị này cử cán bộ trực tiếp về các cơ sở nuôi trồng thủy sản hướng dẫn biện pháp kỹ thuật cần thiết. Cụ thể, các hộ cần tiếp tục chủ động thu hoạch cá Diêu hồng, cá chép giòn, cá nheo mỹ… nếu đủ biểu xuất bán nhằm tránh hao hụt, thiệt hại về kinh tế. Thăm nắm thường xuyên về tình trạng của cá, nếu có dấu hiệu bơi thành đàn nổi trên mặt lồng cần thực hiện nâng lồng nuôi lên chỉ để sâu 1,5-2m và gia cố các bao cát ở các góc, giữa lồng bảo toàn đàn nuôi. Kiểm tra lại các móc neo, dây buộc đầu neo, phao lồng, lưới lồng nuôi cá… nếu bị hư hỏng lập tức sửa chữa hoặc thay mới; khi nước rút nếu điều kiện cho phép cần chủ động di chuyển lồng nuôi đến vị trí an toàn, phù hợp. Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, tăng cường hô hấp cho cá. Nên cho cá ăn trở lại khi nước giảm đục với tần suất giãn cách hơn; thức ăn cần trộn vitamin C, men tiêu để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Ngành Nông nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, gia hạn thời gian vay vốn; giảm lãi suất, triển khai các gói vay ưu đãi để chủ lồng có thêm nguồn lực bước tiếp với nghề nuôi trồng thủy sản này.