(TSVN) – Bão số 3 và lũ lụt đã khiến cho ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh bị thiệt hại rất lớn. Trong đó, cơn bão đã làm mất 3.400,21 tấn thủy sản, nhiều công trình, phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và phá hủy hoàn toàn. Đến nay, mực nước trên các sông đã rút dần, các hộ bắt tay vào tái sản xuất, tuy nhiên, điều này cũng gặp không ít khó khăn.
Ngày 15/9, tỉnh Bắc Ninh đã có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do cơn bão 3 và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong báo cáo này, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó nổi bật là đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng chính sách khoanh nợ, gia hạn thời gian vay vốn, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi đối với những hộ, tổ chức bị thiệt hại nặng nề.
Trước đó, bão số 3 đã gây ngập lụt nhiều nơi, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có các hộ nuôi cá lồng trên sông. Để khôi phục sản xuất, giảm thiểu thiệt hại sau bão và chăm sóc tốt các đối tượng thuỷ sản thả nuôi nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổng hợp, thống kê chính xác các lồng nuôi cá trên sông, diện tích nuôi cá trong ao đất bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Hiện nay, nước trên sông Đuống, sông Thái Bình đang rút tạo điều kiện cho các hộ bắt tay vào khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp về các cơ sở nuôi trồng thủy sản hướng dẫn biện pháp kỹ thuật cần thiết. Cụ thể, các hộ cần tiếp tục chủ động thu hoạch cá điêu hồng, cá chép giòn, cá nheo Mỹ… nếu đủ biểu xuất bán nhằm tránh hao hụt, thiệt hại về kinh tế.
Trong văn bản số 1629/SNN-CNTYTS, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, khôi phục thủy sản sau mưa lũ.
Cụ thể, khẩn trương rà soát, tổng hợp, thống kê chính xác các lồng nuôi cá trên sông, diện tích nuôi cá trong ao đất bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Kịp thời báo cáo, đánh giá mức độ thiệt hại và đưa ra các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các tổ chức và nhân dân trên địa bàn sớm ổn định sản xuất.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất thuỷ sản trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng, nuôi cá trong ao đất ngoài bãi bị thiệt hại do bão để hướng dẫn hộ thực hiện vệ sinh lồng, ao nuôi thuỷ sản. Chú trọng việc chăm sóc, phòng bệnh cho cá thả nuôi; lựa chọn con giống chất lượng, phù hợp để thả bổ sung khi điều kiện môi trường nước đảm bảo.
Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng trên sông kiểm tra gia cố hệ thống các móc neo, dây buộc đầu neo, phao lồng, lưới lồng nuôi cá… nếu lồng bị hư hỏng lập tức sửa chữa hoặc bổ sung, thay mới để đảm bảo an toàn khi nước rút và đề phòng các tình huống xấu khác có thể xảy ra. Yêu cầu các hộ nuôi cá lồng trên khi thực hiện chăm sóc, bảo vệ lồng nuôi cá trên sông phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, chủ động thu hoạch cá điêu hồng, cá chép giòn, cá nheo Mỹ (cá lăng đen)…nếu đủ điều kiện xuất bán, nhằm tránh hao hụt, thiệt hại về kinh tế. Kiểm tra lại các móc neo, dây buộc đầu neo, phao lồng, lưới lồng nuôi cá… nếu bị hư hỏng lập tức sửa chữa hoặc thay mới; khi nước rút nếu điều kiện cho phép cần chủ động di chuyển lồng nuôi đến vị trí an toàn, phù hợp.
Đối với các hộ nuôi cá trong ao đất: Khi nước rút, tiến hành gia cố sửa chữa bờ, cống, lưới chắn bị hư hại. Sử dụng vôi với lượng 2 – 3kg/100 m³ hoà ra nước toé đều khắp mặt ao để khử trùng nước, giảm đục nước ao, sau đó sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước. Kiểm tra, định lượng cá còn lại trong ao để thu hoạch hoặc thả bổ sung cá giống mới nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế. Cho cá ăn thức ăn giàu đạm, với liều lượng 30 – 50% so với ngày bình thường, sau đó tăng dần lượng thức ăn, kết hợp bổ sung vitamin C và các khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Được biết, hiện ngành nông nghiệp Bắc Ninh đang khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, gia hạn thời gian vay vốn; giảm lãi suất, triển khai các gói vay ưu đãi để chủ lồng có thêm nguồn lực bước tiếp với nghề nuôi trồng thủy sản này.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)