Bắc Ninh: Nuôi trồng thủy sản tăng cường ứng dụng công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cùng với nhiều chính sách được thực thi có hiệu quả theo từng giai đoạn, nên ngành thủy sản Bắc Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Sản xuất ổn định

Thời gian qua, ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện ao nuôi, lồng nuôi, con giống, các cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong NTTS như: các công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây hoặc công nghệ sử dụng hormone để sản xuất giống. Công nghệ nuôi cá thâm canh có sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi, với một số đối tượng cá nuôi như: chép, trôi, trắm, rô phi, chim trắng… đem lại hiệu quả kinh tế cao được sử dụng trên 80% diện tích ao nuôi. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, thủy sản là lĩnh vực tăng trưởng duy nhất của ngành nông nghiệp Bắc Ninh.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: KL

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, tính đến giữa tháng 10/2023, diện tích NTTS ước đạt 4.787,8 ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Số lồng nuôi cá trên sông hiện có 2.629 lồng tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước (tăng 220 lồng). Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 10 ước đạt 4.340,5 tấn, tăng 5,32% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi cá trong ao đất đạt 3.257,8 tấn; nuôi lồng bè đạt 950 tấn; sản lượng thủy sản khác đạt 17,5 tấn; sản lượng khai thác đạt 106,2 tấn.

Lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 33.221 tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng là 32.265 tấn, tăng 2,2%; sản lượng thủy sản khai thác là 956 tấn, giảm 5,1%.

Phong trào nuôi cá lồng trên sông tiếp tục phát triển với 2.629 lồng, tăng 220 lồng so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Lương Tài, Gia Bình, Yên Phong, Tiên Du và thị xã Quế Võ. Đến nay, 100% số lồng thâm canh các giống cá có năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ như: cá lăng, chép lai, chép giòn, điêu hồng, ngạnh, trắm các loại…

Người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống để nâng cao chất lượng. Ảnh: KL

Các loại cá thương phẩm tiêu thụ ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Trong tháng 10/2023, giá cá thương phẩm tương đương so cùng kỳ năm trước và các tháng trước đó cụ thể: Giá cá rô phi đơn tính loại 1 là 36.000 – 38.000 đồng/kg, cá chép loại 1 khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, cá điêu hồng loại 1 ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, cá trắm cỏ loại 1 là 50.000 – 52.000 đồng/kg, cá lăng đen khoảng 110.000 – 112.000 đồng/kg. Cá ngạnh sông có giá 100.000 – 105.000 đồng/kg, giá cá trắm đen, chép giòn dao động 85.000 – 90.000 đồng/kg. Nhờ lợi thế vị trí địa lý gần với thị trường lớn của phía Bắc là Hà Nội, cùng đó, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khu công nghiệp nên việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản những năm qua tương đối thuận lợi.

Chú trọng ứng dụng công nghệ 

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2023, ngay từ đầu năm Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh đã ban hành và đôn đốc thực hiện sát sao các văn bản chỉ đạo về hướng dẫn sản xuất thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh; đồng thời cử cán bộ bám sát địa bàn được phân công phụ trách để nắm bắt tình hình, diễn biến sản xuất thủy sản nhằm phát hiện và có biện pháp tham mưu, chỉ đạo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường, bệnh thủy sản và hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc đối tượng thủy sản nuôi lồng trên sông và nuôi thâm canh trong ao đất. 

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển sản xuất thủy sản theo Kế hoạch số 138/KH-UBND về Phát triển thủy sản giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Chú trọng phát triển công nghệ NTTS thâm canh, siêu thâm canh theo hình thức: nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, nuôi Biofloc, nuôi an toàn sinh học… để bảo vệ môi trường, quản lý dịch bệnh. Hỗ trợ, kết nối hiệu quả “liên kết 4 nhà” để người sản xuất kết nối, tiếp cận với các kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi VietGAP, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường.

Xây dựng đồng bộ hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh định kỳ, đột xuất tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, khu vực sản xuất thủy sản nhằm bảo vệ nguồn nước, kịp thời cảnh báo tác động do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh gây ra cho sản xuất thủy sản. Triển khai xây dựng bản đồ dịch tễ nhằm kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ NN&PTNT; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản hằng năm. 

Bắc Ninh là một trong những địa phương có phong trào NTTS phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hiện, toàn tỉnh đã hình thành 162 vùng NTTS tập trung, diện tích từ 10 ha trở lên, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!