Bắc Ninh: Tập trung quản lý, chăm sóc tốt các loài thủy sản nuôi chủ lực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm kịp thời khắc phục hậu quả của bão, lũ, đảm bảo phát triển sản xuất cũng như mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2024.

Những năm qua, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành phố Bắc Ninh đã quan tâm chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đảm bảo duy trì tốt về diện tích và tăng sản lượng thủy sản, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Thông tin từ Cục Thống kê Bắc Ninh, trong tháng 10, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các hộ trong sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nhất là nuôi cá lồng trên sông và các hộ nuôi cá trong ao đất ngoài bãi sông. Đồng thời, gây ngập úng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Do đó công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Ngành chức năng yêu cầu người dân tập trung quản lý, chăm sóc tốt các loài thủy sản nuôi chủ lực. Ảnh: BBN

Tính đến giữa tháng 10/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 4.569,3 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ; Số lượng lồng nuôi cá trên sông là 2.793 lồng (do ảnh hưởng của bão số 3 làm 934 lồng nuôi cá trên sông bị bung phao, chìm, rách lưới lồng nuôi, đến thời điểm hiện tại các chủ hộ đã gia cố, sửa chữa được 793 lồng, còn 141 lồng đang được các chủ hộ tiếp tục tu sửa và đóng mới).

Tháng 10/2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.778,2 tấn, giảm 13,06% so cùng kỳ (Trong đó: Sản lượng nuôi trồng cá trong ao đất ước thu hoạch được 3.111,8 tấn; sản lượng cá lồng ước đạt 530 tấn; sản lượng thủy sản khai thác 106,4 tấn).

Hiện, diện tích nuôi cá thâm canh trong ao đất và số lồng nuôi cá trên sông được duy trì ổn định, cơ cấu giống cá thả nuôi được các cơ sở nuôi trồng thủy sản chú trọng để phát triển nhất là các đối tượng cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: Cá lăng đen (cá nheo Mỹ), cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá chép, cá tầm, cá chiên…

Những tháng cuối năm 2024, lĩnh vực sản xuất thủy sản tại địa phương tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm kịp thời khắc phục hậu quả của bão, lũ, đảm bảo phát triển sản xuất cũng như mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương hướng dẫn các cơ sở, người dân tiếp tục xuống giống thủy sản đối với những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi.

Tập trung quản lý, chăm sóc tốt các loài thủy sản nuôi chủ lực; khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên đối với tất cả các loại hình nuôi trồng thủy sản.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh trong thời gian sản xuất trái mùa. 

Quản lý chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật thủy sản. Chủ động hướng dẫn, kết nối các địa phương, doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm hoặc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại sau bão số 3.

Đồng thời, tổ chức giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông giống, không để xẩy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, thao túng giá bất hợp lý. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hướng dẫn các cơ sở, người dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng thủy sản qua vụ Đông trong điều kiện nhiệt độ giảm sâu và có thể có rét đậm, rét hại kéo dài; tổ chức các liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản và đầu tư, phát triển sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng, OCOP, Halal,… Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đặc biệt vào các tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu xuân.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!