Đã thành lệ, khi nghêu vào bãi sinh trưởng thì hàng trăm người dân tổ chức khai thác trái phép bất chấp lệnh của chính quyền địa phương. Sau khi lực lượng thi hành công vụ tạm giữ phương tiện, tang vật thì bị nghêu tặc phục kích cướp lại
Cướp nghêu, tấn công người thi hành công vụ
Trung tuần tháng 5/2013 khi trở lại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc vỏ lãi chạy qua dò xét. Thoáng thấy chiếc canô của chúng tôi rảo quanh, chiếc vỏ lãi tăng tốc mất hút. Một cán bộ bảo vệ bãi nghêu cho biết: “Mấy ngày nay an ninh trật tự ở đây tạm ổn. Tuần trước chúng tôi mất ăn mất ngủ. Phát hiện nghêu, hàng trăm người tranh thủ tận diệt nguồn thủy sản, họ còn lấn sang khai thác ở Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Đất Mũi”.
Phát hiện lực lượng tuần tra, nghêu tặc bỏ chạy
Được biết để phát triển nghề nuôi nghêu đồng thời tăng thu nhập cho xã viên, ngày 15/5/2013 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã hợp nhất 16 HTX nuôi nghêu làm ăn kém hiệu quả. Theo đó, HTX có gần 1.900 xã viên chịu trách nhiệm khai thác có hiệu quả bãi nghêu rộng khoảng 3.000 hécta, từ kinh Ô Rô đến Rạch Mũi, xã Đất Mũi. Trong năm nay, HTX sẽ đầu tư hơn 17 tỷ đồng để khoanh nuôi trên 100 hécta nghêu thương phẩm. Chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không được khai thác nghêu giống trái phép để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Anh Thanh, cán bộ huyện Ngọc Hiển, cho biết mặc dù vậy nạn cướp nghêu giống vẫn diễn ra công khai. Hàng ngàn phương tiện tụ tập khai thác trái phép khiến sau vài ngày, bãi nghêu tan tác. Chính quyền địa phương không quên được vụ cướp nghêu kinh hoàng hai năm trước. Năm 2011 nghêu chết hàng loạt, chủ nhiệm và xã viên HTX lâm cảnh lao đao. Đầu tháng 8/2011, nghêu giống xuất hiện trở lại, xã viên chưa kịp mừng thì mười lăm ngày sau xảy ra tình trạng hàng trăm người dân tụ tập cào nghêu. Từ ngày 17/8 đến 24/8/2011, trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 – 7.000 người với vô số xuồng máy cào nghêu giống và bắt nghêu thịt. Bị ngăn cản, nghêu tặc dùng cây cào nghêu làm hung khí chống trả. Ngày 1/9/2011, lực lượng bảo vệ bãi nghêu huy động sáu chiếc canô ngăn chặn 30 chiếc vỏ lãi có khoảng 60 người đang cào nghêu ở bãi HTX. Nghêu tặc bất chấp tất cả, dùng xăng dọa tấn công người thi hành công vụ. “Hay tin nghêu giống xuất hiện là họ tụ tập hàng ngàn người. Sau đợt cày xới, mũi Cà Mau như bị băm nát bởi nghêu tặc. Bãi nghêu trở thành nơi mua bán nghêu giống, nghêu thịt, thương lái dùng cả loa phóng thanh thu mua…” – ông Ngô Minh Toại, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết. Khoảng tháng 5/2012, nghêu giống vừa xuất hiện lại tái diễn tình trạng trên.
Lộ diện đối tượng cầm đầu
Mới đây, khoảng 8 giờ ngày 10/5/2013 lực lượng kiểm tra liên ngành phát hiện 20 phương tiện cào bãi nghêu. Thấy đội tuần tra, hai phương tiện đang chở khoảng 15 bao cát lẫn nghêu giống vừa khai thác được tìm cách lẩn trốn. Một số đối tượng tỏ thái độ thách thức và chống trả lực lượng thi hành công vụ khi được yêu cầu kiểm tra, buộc các đồng chí phải nổ súng cảnh cáo. Nghêu tặc bỏ chạy tán loạn. Đội bảo vệ đưa hai phương tiện về trụ sở UBND xã Đất Mũi lập biên bản nhưng đi được khoảng 1km thì bị hàng chục người trên tay dao, gậy… tấn công cướp lại.
Theo Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, từ đầu tháng 5/2013 mỗi ngày có hàng chục vỏ lãi vào bãi nghêu khai thác, thăm dò gây mất an ninh trật tự. Nhiều xã viên lo sợ tái diễn tình trạng cướp nghêu. Ông Nguyễn Thanh Nhanh, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản huyện Ngọc Hiển, cho biết địa phương thường xuyên thành lập lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an huyện Ngọc Hiển, bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, nhưng đối tượng khai thác nghêu trái phép vẫn bất chấp.
Trở lại vụ cướp hai phương tiện vi phạm, tổ kiểm tra liên ngành vừa cung cấp cho Công an huyện Ngọc Hiển băng ghi hình vụ ẩu đả. Qua đó phát hiện đối tượng cầm đầu là Lê Văn Mười (ngụ ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi). Công an huyện Ngọc Hiển mời Mười lên làm việc nhưng đối tượng chưa trình diện. Theo chính quyền địa phương, nếu không có biện pháp răn đe xử lý kiên quyết, bãi nghêu sẽ bị cày nát, xã viên lâm cảnh khó khăn và Đất Mũi sẽ trở thành vùng biển chết bởi tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.