Bài toán cải thiện sinh kế cho ngư dân Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Cải thiện sinh kế cho ngư dân Mỹ nói chung, vùng Louisiana nói riêng, là điều không đơn giản, bởi Chính phủ Mỹ vẫn luôn cho rằng “không có ngư dân truyền thống trên đất Mỹ”.

Ngư dân vẫn nghèo

Sinh kế của ngư dân Mỹ đa dạng theo từng vùng ven biển. Ngư dân miền Tây, Thái Bình Dương và miền Đông chủ yếu tập trung đánh bắt cá. Ngư dân ven biển từ miền Nam tới vịnh Mexico sống phụ thuộc vào nghề khai thác tôm, cua. Tại miền Nam nói chung và bang Louisiana nói riêng, ngành công nghiệp thủy sản dựa vào kinh tế hộ gia đình, nguồn thủy sản chính là tôm biển. Hơn 90% tàu thuyền đánh bắt tôm tại khu vực này tồn tại nhờ nguồn lao động và tiền vốn của kinh tế hộ gia đình. Từ tàu khai thác đến người thu gom hàng, nhà máy chế biến, hình thành nên chuỗi giá trị của nền kinh tế tư bản tỷ lệ nhỏ. 100% tôm Mỹ được tiêu thụ nội địa.

Ngành công nghiệp tôm của bang này cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự như nhiều nơi trên thế giới, đó là tình trạng bị “ép” giá trong khi phải “cõng” rất nhiều chi phí sản xuất. Từ năm 2001, giá tôm tươi bán tại tàu giảm mạnh, chi phí ra khơi đánh bắt, chi phí nhiên liệu (xăng, diesel) lên rất cao. Từ năm 2001 – 2005, 50% ngư dân đánh bắt tôm ở Louisiana bị phá sản do không kham nổi chi phí sản xuất, trong khi giá tôm rẻ mạt. Thiên tai dồn dập (như bão nhiệt đới năm 2005 và 2008, sự cố tràn dầu mỏ BP năm 2010) giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp tôm Louisiana và tác động trực tiếp tới sinh kế của ngư dân. Hiện nay, ngành công nghiệp tôm Louisiana dường như đã ổn hơn nhưng lại tiềm ẩn những thách thức mới, khó tháo gỡ hơn. Đó chính là sự tái sản xuất sức lao động, tái sản xuất nền kinh tế hộ gia đình.

Ngư dân bắt tôm ở Lousiana

 

Giải pháp nào?

Lãnh đạo ngành thủy sản Mỹ, chính quyền bang và Chính phủ  (Mỹ) dường như không hướng sự quan tâm vào kinh tế hộ gia đình nông dân vì cho rằng Mỹ là nước “hiện đại, do đó, sẽ không tồn tại kinh tế hộ gia đình”. Tham gia các hội nghị thảo luận chính sách bảo vệ sinh kế cho ngư dân nghèo ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng bản thân Chính phủ Mỹ lại cố gắng hạn chế chính sách này, vì toàn cầu hóa nghĩa là phải xuất nhập khẩu tự do. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, Mỹ cũng có hộ ngư dân nhỏ, nghèo, sinh kế bị ảnh hưởng bởi xuất nhập khẩu, tại sao Mỹ lại không có biện pháp bảo vệ ngư dân? Và câu hỏi mà nhiều nhà ngoại giao Mỹ đưa ra ngay tại thềm hội nghị của WTO tổ chức tại Hong Kong năm 2010 là Mỹ khác các nước đang phát triển, có ngư dân truyền thống, Mỹ chỉ có người đánh bắt tôm không cạnh tranh, đổi việc làm cho họ là sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Do đó, không ít chuyên gia trong ngành lo lắng ngành công nghiệp tôm của Lousiana sẽ thiếu lao động trầm trọng. Giải quyết vấn đề này không dễ dàng một sớm một chiều. Các nhà nghiên cứu ở LSU đã kiến nghị, nên có hai giải pháp chính là ổn định hóa thị trường thủy sản quốc tế, có những chính sách bình ổn giá cả, giảm chi phí cho người nuôi hoặc đánh bắt và đa dạng hóa sinh kế hộ gia đình ngư dân.

Ngày nay, một thực trạng dễ nhận thấy trong các hộ gia đình ngư dân ở Louisiana là sự phân tách lao động rõ ràng: chồng làm kinh tế biển, vợ làm kinh tế bờ. Họ không dồn toàn bộ nguồn lao động gia đình ra biển đánh bắt tôm như trước nữa, do công việc trên bờ an toàn, ổn định hơn, thậm chí mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Chính phủ Mỹ dần nhận thấy cần phải có chính sách hỗ trợ người nuôi – những nông dân làm kinh tế hộ gia đình. Nước Mỹ sẽ phải cần tới những chương trình hỗ trợ, bao cấp ngành bắt tôm, giống như chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp đậu nành, bắp. Có thể sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ tương tự như International Coffee Agreement năm 1989 – hiệp định về điều chỉnh giá bán, bao tiêu xuất nhập khẩu cafe, giúp giá ổn định hơn, sinh kế nông dân tốt hơn. Có như vậy, ngành công nghiệp tôm Louisiana và nhiều địa phương khác tại Mỹ mới tồn tại và phát triển được.

>> Tháng 7/2014, Nghị viện Mỹ đã thông qua luật sửa đổi “Bring Job Home Act”, và Hiệp hội Tôm Mỹ (ASA) thực hiện kế hoạch tái phân phối lợi nhuận, giảm thuế cho người đánh bắt tôm vùng vịnh. ASA cho biết, Chính phủ (Mỹ) sẽ đưa ra gói hỗ trợ 250 triệu USD cho ngành tôm vùng vịnh.

Đan Linh

Dr. Brian Marks, LSU

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!