Bài toán tiêu thụ nông sản Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, với lĩnh vực nông sản, cần nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước

Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, sản lượng, giá trị của ngành nông nghiệp đã tăng liên tục trong những năm qua với tốc độ tăng rất nhanh. Đó là kết quả tất yếu của việc chúng ta đã có một nền tảng tốt từ tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng xây dựng mối liên kết bền chặt. Ngành nông nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu trong 10 năm qua, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và từng bước chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Cần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: LHV

Năm 2023, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm Bộ Công thương đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8 – 9%; tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ; hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, những kết quả đạt được trong năm 2022 của ngành nông nghiệp luôn có sự hỗ trợ rất lớn của ngành công thương. Hiện nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tháng 1 đã giảm kéo theo tình hình sản xuất và tiêu thụ tại thị trường cũng giảm, nên các Bộ, ban ngành cần cùng phối hợp và theo dõi diễn biến của thị trường và tình hình kinh tế nói chung để có giải pháp thúc đẩy cụ thể.

Mở rộng xuất khẩu

Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công thương nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này. Bộ Công thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ là Diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Xác định EU tiếp tục là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống…

Với lĩnh vực thủy sản, theo VASEP, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản giảm theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so tháng 1/2022. Trong đó, xuất khẩu tôm các loại được hơn 169 triệu USD (giảm 46% so cùng kỳ năm trước); xuất khẩu cá tra cá tra 107 triệu USD (giảm 50%); xuất khẩu cá ngừ gần 60 triệu USD (giảm 32%). Một số loại thủy sản chủ lực khác vẫn tăng về giá trị xuất khẩu, đó là: kim ngạch các loại cá khác đạt 169 triệu USD (tăng 6%); xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt gần 66 triệu USD (tăng 4%)… Việc Trung Quốc mở cửa mang lại kỳ vọng về sự hồi phục nhu cầu ở nhiều thị trường trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt… Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản vẫn có thể lạc quan nhờ vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…

>> Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt 3,73 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD. Trong đó, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xuân Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!