T2, 06/07/2020 10:15

Bám biển an toàn

Chưa có đánh giá về bài viết

Khi các tỉnh ven biển khu vực miền Trung thành lập những tổ đoàn kết trên biển, hoạt động của ngư dân không còn đơn độc, những chiếc tàu bị nạn trong khi đang khai thác hầu hết đều được cứu hộ kịp thời.

Ví như trường hợp xảy ra mới đây, vào những ngày cuối tháng 12/2012, tàu cá mang số hiệu BTS 95525 (160CV) của ông La Sưởng ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định) đang khai thác tại ngư trường Trường Sa thì bất ngờ bị phá nước, chết máy, tàu trôi tự do. Cả hệ thống thông tin liên lạc trên tàu cũng bị tê liệt.

Ông La Sưởng bị thương gãy chân, tất cả các thuyền viên trên tàu đã trở nên vô vọng trong mặt biển mênh mông đầy sóng to gió lớn. Vào lúc đó, các tàu trong tổ đoàn kết phát hiện tàu của ông Sưởng bị mất liên lạc, liền tổ chức tỏa nhau đi tìm.

Sau một ngày tìm kiếm, các tàu của ông Nguyễn Văn Thành số hiệu BĐ 96509 TS ở thôn Trường Xuân Tây và tàu của ông La Văn Lạ số hiệu BĐ 95345 TS ở thôn Tân Thành 2 (xã Tam Quan Bắc) đã gặp và lai dắt thành công tàu của ông Sưởng vào bờ an toàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành, chủ tàu BĐ 96509 TS và là tổ trưởng một tổ liên kết ở xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Nhờ thành lập các tổ đoàn kết trên biển mà anh em ngư dân rất yên tâm khi bám biển khai thác. Đặc biệt, tụi tui đã biết đùm bọc nhau lúc bị ốm đau, tai nạn trên biển. Nhờ sự tương thân tương ái nên khi được tin các tàu trong tổ đoàn kết có vấn đề trục trặc là các tàu bạn ngừng hoạt động khai thác, tìm cách hỗ trợ ngay”.

Ông Nguyễn Hữu Hào, PhGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Từ một vài tổ, đội liên kết ban đầu, đến nay, các địa phương ven biển trong tỉnh Bình Định đã thành lập được 242 tổ, đội đoàn kết với 814 tàu cá tham gia, mỗi tàu có từ 7-13 ngư dân. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội đoàn kết được thành lập đông nhất với 184 tổ, đội với 575 tàu; chủ yếu là các tàu khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, câu mực. Qua việc thành lập các tổ, đội đã giúp ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn”.

Ở Quảng Ngãi, trong hơn 1 năm qua đã thành lập được 6 Nghiệp đoàn nghề cá với gần 2.000 đoàn viên tham gia. Có lẽ ông Lê Lớn ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn là người đầu tiên cảm nhận được lợi ích khi tham gia nghiệp đoàn.

Ông Lớn tâm sự: “Vào nghiệp đoàn chưa được bao lâu, tàu cá của tui bị sự cố chìm trên biển. Chưa biết xoay sở thế nào để làm ăn nuôi sống gia đình thì thông qua nghiệp đoàn, các tổ chức xã hội đã giúp tui đóng được chiếc tàu mới trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Có lại được con tàu để làm ăn, kể như cả gia đình tui đã chết đi sống lại”.

Sau hơn 1 năm thành lập, 6 nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Ngãi đã phát huy hiệu quả. Nhờ hỗ trợ nhau trong sản xuất, các tàu cá ở tỉnh này đều ăn nên làm ra, bình quân mỗi đoàn viên có thu nhập 13 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các tàu cá còn được hưởng những chế độ: Bảo hiểm thân tàu, bào hiểm thuyền viên, máy móc thiết bị liên lạc… từ sự tài trợ của các tổ chức xã hội và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

>> Ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng cho bà con ngư dân thành lập các tổ, đội, HTX hoặc có thể là các công ty cổ phần. Ở mỗi nhóm tàu, ngoài những chiếc bám biển đánh bắt, sẽ bố trí 1 tàu làm nhiệm vụ sơ chế sản phẩm ngay trên biển. Cách làm này sẽ làm giảm cho bà con nhiên liệu cho tàu đi lại và làm tăng thời gian bám biển.

Đình Vũ

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!