Vùng biển Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) tắm mình trong làn mưa xuân lất phất, tiết trời lạnh se sắt vào một sáng cuối năm. Trong khó khăn, ngư dân nơi đây vẫn liên kết bám biển, tranh thủ vươn khơi.
Hỗ trợ vươn khơi
Đang loay hoay chuẩn bị ở phía sau khoang lái, anh Nguyễn Đình Soành, ở tập đoàn đánh cá Đại Hợp (Kiến Thụy) dừng tay tiếp chuyện: “Cuối năm, dù Tết cận kề nhưng cứ trời yên, biển lặng là tàu tôi sẵn sàng lên đường. Phải làm thế để có thêm thu nhập về ăn Tết. Thay vì đơn lẻ ra khơi, giờ đây chúng tôi đồng loạt ra khơi thành cụm 3- 5 tàu. Trong quá trình đánh bắt, chúng tôi liên lạc với nhau bằng bộ đàm, khi các thuyền đánh bắt được nhiều tôm cá thì tập trung lại, đội sẽ cử một hoặc hai phương tiện cùng thuyền viên thay phiên nhau vận chuyển cá tôm vào bờ phân phối, kết hợp mua sắm nguyên liệu rồi quay trở lại ngư trường”.
Cũng nhờ cách làm này, tập đoàn đánh cá lớn nhất thành phố hiện nay ở Nam Triệu, xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) ngư dân vẫn duy trì bám biển vươn khơi trong điều kiện bão giá. Ông Vũ Văn Cự, Tập đoàn trưởng Tập đoàn đánh cá Nam Triệu cho biết: “Giá xăng dầu, ngư lưới cụ đồng loạt tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng 30% so với năm trước. Nhưng không thể vì khó khăn mà để tàu nằm bờ. Tập đoàn đánh cá Nam Triệu tổ chức lại sản xuất, liên kết vươn khơi để vừa giảm chi phí vừa bám ngư trường. Liên tập đoàn tư vấn, vận động các thành viên chọn nghề phù hợp, hỗ trợ vốn cho các hộ mua sắm phương tiện phát triển sản xuất. Chúng tôi đặc biệt quan tâm nắm tình hình khai thác từng nghề, từng vùng, từng thời kỳ để có căn cứ vận động thành viên tập trung khai thác những loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Tập đoàn mạnh dạn hỗ trợ 40kg dầu/tàu/lần để các tàu đi thăm dò, tìm kiếm ngư trường. Nếu các tàu không khai thác được sản phẩm thì không phải trả tiền dầu, nếu tìm được ngư trường có sản lượng cao thì phải báo để các tàu trong diện được HTX bao tiêu sản phẩm đến cùng khai thác”.
Tranh thủ những ngày cuối năm, tại các làng cá nhỏ như Nam Hải (Đoàn Xá), Tân Trào (Kiến Thụy), Bàng La (Đồ Sơn), Vinh Quang (Tiên Lãng), Hợp Đức (Dương Kinh) lựa thời điểm có các loại cá đặc sản địa phương như cá mòi, cá hói, cá khoai…để giong thuyền ra khơi. Anh Phạm Văn Phính, ngư dân thôn Nam Hải, Đoàn Xá (Kiến Thụy) cho biết: “Dù giá xăng dầu, ngư lưới cụ tăng cao nhưng thời điểm cuối năm này, không thuyền nào trong thôn nằm bờ. Chúng tôi tranh thủ ra khơi đánh cá mòi, cá hói, cá khoai. Chỉ có hôm nào trời gió mùa đông bắc hoặc có mưa lớn thì tàu nghỉ, vì hôm đó rất ít cá”.
Sát cánh cùng ngư dân đi biển
Anh Nguyễn Đình Soành, cụm trưởng cụm tàu an toàn ở xã Đại Hợp (Kiến Thụy) vui vẻ khẳng định: “Đi biển xa hiện chúng tôi có thêm niềm tin khi luôn có các lực lượng chức năng cùng sát cánh. Cuối năm 2012 vừa qua, tàu vươn khơi của tôi được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng đánh dấu, phân tuyến hoạt động bằng việc gắn 4 tấm phản quang, tức là được hoạt động vươn khơi vùng biển xa, Chi cục giữ liên lạc thường xuyên với tàu khi vươn khơi. Cùng với việc gắn biển đánh dấu, phân tuyến hoạt động cho tàu cá khai thác trên vùng biển Việt Nam tại địa phương, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn cấp phát sổ nhật ký, đồng thời, hướng dẫn ngư dân ghi chép hành trình và kết quả sau mỗi chuyến khai thác, giúp ngư dân tổ chức khai thác có hiệu quả, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.
Theo anh Đinh Như Cường, ngư dân thôn Lạch Sẽ, chủ tàu HP 090240TS, ngoài việc được đánh dấu, phân tuyến hoạt động, ngư dân rất vui khi biết thông tin Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa khánh thành trung tâm quan sát tàu cá bằng thiết bị vệ tinh. Thời gian tới, tàu vươn khơi của Hải Phòng cũng sẽ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, Trung tâm sẽ theo dõi vị trí hoạt động tàu cá, giúp cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận các bản tin thông báo cấp cứu, tai nạn, tàu nước ngoài, cướp biển, các hoạt động khai thác….
Ông Đào Viết Thuận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT khẳng định: Năm 2013, dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” sẽ xây dựng trung tâm quan sát tàu cá khu vực tại Hải Phòng. Dự án này sẽ xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, xử lý ảnh viễn thám về hải dương học nghề cá phục vụ dự báo ngư trường khai thác hải sản; hỗ trợ cải thiện chất lượng dự báo khí tượng hải văn, đặc biệt là công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết bất thường khác xảy ra trên các vùng biển; hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống bão, giảm thiểu thiệt hại cho người và tài sản của ngư dân trên biển…
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao điều ước vọng về một năm “mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng”. Trong bão giá, khó khăn, ngư dân Hải Phòng vẫn kiên trì bám biển, vươn khơi với niềm tin mới, hy vọng mới.