Bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngư dân ở nhiều địa phương trong tỉnh bội thu với chuyến đánh bắt đầu mùa. Nhờ giá hải sản tăng cao, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nên nhiều ngư dân mạnh dạn bám biển.

Thắng lợi đầu mùa
Dọc triền sông Bàn Thạch, dưới những tấm bạt che làm chòi, những ngư dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên) đang tất bật vá lại lưới, chuẩn bị cho chuyến ra khơi lần thứ hai trong năm. Sau khi nghỉ tết, khoảng mùng 10 tháng giêng, 67 phương tiện của xã Duy Vinh đồng loạt ra quân khai thác vụ cá nam năm 2012. Sau 5 ngày đêm đánh bắt, ngư dân đã trúng đậm cá khế, cá ngừ, cá nục, cá thu, mực nang, mực ống, ghẹ… Ông Đỗ Văn Tiến, Đội trưởng đội lưới quét C10 – xã Duy Vinh hồ hởi: “Chuyến đi biển này trừ phí tổn, mỗi tàu thu được 50 triệu đồng, có tàu thu 80 triệu đồng”.

 

alt
Ngư dân thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vá lại lưới sau chuyến ra khơi đầu năm.

 

Ông Huỳnh Văn Trung (cán bộ phụ trách thủy sản xã Duy Vinh) cho biết, chuyến ra khơi đầu năm sản lượng đánh bắt của ngư dân cao hơn hẳn so với năm trước. Năm ngoái, giá trị thu hoạch trung bình mỗi phương tiện là 35 triệu đồng, năm nay 65 triệu đồng. Chuyến ra khơi đầu năm của ngư dân Duy Vinh trúng lớn là do thời tiết thuận lợi, ngư dân đã chuyển từ lưới quét truyền thống sang sử dụng đại trà loại lưới quét Bạc Liêu nên năng suất cao hơn. Tại huyện Duy Xuyên, chỉ có ngư dân Duy Vinh sử dụng loại lưới này. Không như lưới quét truyền thống chỉ 1 lớp, lưới quét Bạc Liêu có nhiều lớp. Cũng theo ông Trung, những năm gần đây, sản lượng đánh bắt hải sản trên địa bàn xã liên tục tăng. Năm 2010, sản lượng khai thác đạt 1.989 tấn, năm 2011 tăng lên gần 2.100 tấn. 

Khác với Duy Vinh, ngư dân xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) chủ yếu khai thác cá hố. Đầu năm nay, tận dụng thời tiết thuận lợi, gần 75 phương tiện của xã đồng loạt ra khơi câu cá hố sớm hơn mọi năm. Ra khơi từ mùng 5 tết, nhiều ngư dân ở thôn Hồng Triều, Hội Sơn, Thuận An vừa cập bến an toàn. Ngư dân Đinh Mạnh (47 tuổi, thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa) phấn khởi: “Trừ phí tổn, chuyến này tàu của tôi thu được 80 triệu đồng. Sáu lao động, mỗi người được chia hơn 6 triệu đồng, riêng tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng. Năm ngoái, vào thời điểm này, chỉ một mình tàu tôi ra khơi đầu năm và thu được khoảng 40 triệu đồng”. Vụ khai thác đầu năm nay thôn Hồng Triều có 5 thuyền câu cá hố thu hoạch khoảng 3 tấn cá hố (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Với giá bán tại chỗ mỗi ký cá bình quân 130 nghìn đồng, mỗi phương tiện thu 60 – 80 triệu đồng sau gần 1 tuần ra khơi. 

Theo ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, năm 2011 toàn huyện có tổng cộng 348 phương tiện với công suất 6.763CV, tổng sản lượng khai thác 5.470 tấn; năm nay đặt chỉ tiêu khai thác 6.400 tấn. 

 

Quay lại với nghề khơi

Bỏ nghề câu mực khơi hơn 5 năm sau khi thoát chết trở về từ cơn bão Chanchu năm 2006, anh Huỳnh Văn Phương (khối phố 6, phường Phước Hòa, Tam Kỳ) năm nay đi bạn tàu đánh bắt xa bờ của ông Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành). Đang chuẩn bị đồ nghề cho chuyến ra khơi đầu năm, anh Phương cho biết: “Chi phí mua thúng, đồ nghề và lương thực thực phẩm cho chuyến ra khơi kéo dài hàng tháng trời tốn kém hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngư dân, chủ tàu đã cho tạm ứng tiền hơn một nửa để mua đồ nghề”. Theo anh Phương, động lực mà anh quay lại với nghề khơi là giá mực liên tục tăng, Nhà nước lại có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho ngư dân bám biển.

 

alt
Bạn câu chuyển đồ nghề lên tàu chuẩn bị chuyến đánh bắt xa bờ.

 

Tương tự, anh Trần Văn Cường (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, Tam Kỳ) quyết định trở lại với biển sau hơn 3 năm bỏ nghề. Những năm trước, các chuyến đi biển đã giúp anh có tiền học nghề, rồi mở tiệm sửa xe máy ngay tại quê, nhưng do việc làm ăn trên bờ chưa ổn định nên quay lại với nghề câu mực khơi. “Muốn mở rộng tiệm sửa chữa xe máy thì phải có vốn đầu tư lớn. Ở làng chài này không có gì dễ kiếm tiền lớn ngoài nghề đánh bắt mực khơi” – Cường nói. 

Thời điểm này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành) đã ra khơi. Tuy nhiên, một số ít  vẫn chưa xuất bến vì phải chờ thêm lao động. Một chủ tàu ở Tam Quang bộc bạch: “Tàu mình có công suất lớn, cần ít nhất 40 bạn câu, hiện quân số đã gần đủ rồi. Ngày 24 tháng giêng tới tàu sẽ nhổ neo. Nếu thời tiết thuận lợi, một chuyến biển có khả năng đánh bắt suốt 3 tháng liền”. Ông Trần Văn Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, năm nay địa phương tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ về chi phí nhiên liệu cho ngư dân sau mỗi chuyến biển; hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên… Năm ngoái, nghề đánh bắt xa bờ vừa được mùa vừa được giá là động lực lớn cho ngư dân tiếp tục quay lại với nghề biển trong năm nay. Theo thống kê, toàn huyện Núi Thành hiện có 1.200 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó hơn 100 phương tiện đánh bắt xa bờ.

TRẦN HỮU – THIÊN LÝ

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!