“Bàn đạp” xuất khẩu từ các vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời, minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 25/3/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Để đạt mục tiêu đề ra, các ban, ngành, địa phương đang vào cuộc hỗ trợ HTX, nông dân xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn.

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Đề án trên được thực hiện theo hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2022 – 2023), tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc (14.000 ha); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) vùng duyên hải miền Trung (22.900 ha); cà phê Tây Nguyên (19.700 ha); lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (50.000 ha); cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (60.200 ha).

Giai đoạn 2 (2024 – 2025), mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX. Cụ thể cụm Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa – tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

Nhà máy chế biến tôm của Stapimex tại Sóc Trăng. Ảnh: Forbes Việt Nam

Tổng kinh phí thực hiện Đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và HTX 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.

Tạo đà xuất khẩu

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam có trên 10.000 hộ gia đình sản xuất, đất đai sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất, chất lượng sản lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, làm tăng giá vật tư đầu vào, tiêu hao nhiều tài nguyên. Thời gian qua, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung ở 13 tỉnh. Triển khai hiệu quả Đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng – đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông, Trung tâm sẽ hỗ trợ phần mềm, tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất.

Toàn quốc hiện có 12 tỉnh được Bộ NN&PTNT lựa chọn đầu tư mô hình theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT, ngày 25/3/2022 của Bộ Quyết định về việc phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng là địa phương được chọn mô hình đầu tư logistic phục vụ phát triển vùng nguyên liệu thủy sản, địa điểm được lựa chọn để triển khai mô hình là tại HTX thủy sản Hưng Phú thuộc xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung. Đây được xem là cơ hội thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Sóc Trăng theo hướng bền vững, đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu. 

Huyện Cù Lao Dung là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi trồng thủy sản là 3.500 ha, trong đó riêng tôm là 2.200 ha, chủ yếu là nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, với sản lượng 30.000 tấn/năm. Trong quy hoạch HTX Thủy sản Hưng Phú đang thực hiện tốt các hoạt động NTTS, chế biến tôm khô “Một Gió” sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, kinh doanh và cung ứng vật tư đầu vào, thu mua và liên kết hợp đồng tiêu thụ tôm thương phẩm chứng nhận ASC là 500 tấn/năm với Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, bên cạnh đó HTX Thủy sản Phú Hưng đang mở rộng thực hiện thêm chứng nhận BAP để mở rộng thị trường tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của theo định hướng của HTX thì cần phải đầu tư cơ sở sơ chế tôm nguyên liệu do vậy việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng logistic phục vụ HTX phát triển vùng nguyên liệu thủy sản là cần thiết.  

Việc triển khai mô hình xây dựng hạ tầng logistic, chế biến thủy sản của HTX Thủy sản Hưng Phú được kỳ vọng sẽ là “bàn đạp” góp phần phát triển liên kết giữa HTX, hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ thủy sản; nhằm tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng, phát triển  thủy sản phải gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo nguồn thủy sản xuất khẩu chất lượng cao và có thương hiệu.

Hồng Hạnh

>> GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!