(Thủy sản Việt Nam) – Thị trường Mỹ ngày càng tăng mạnh khi mối đe dọa từ suy thoái kinh tế đang dần bị đẩy lùi và người tiêu dùng có nhu cầu cao. Ngược lại, nguồn cung từ nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là nguồn cung châu Á. Ấn Độ đang trở thành một nhà cung cấp quan trọng nhờ vào bất lợi của các đối thủ cạnh tranh và sự tích cực đầu tư công nghệ mới trong sản xuất.
Nguồn cung tôm ít hơn trong 6 tháng đầu năm 2011
Tính đến giữa tháng 6/2011, mùa thu hoạch tôm ở châu Á vẫn được duy trì, tuy nhiên thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Thái Lan, lũ lụt đã gây thiệt hại khoảng 50.000 – 60.000 tấn tôm vào tháng 5 và 6, do đó cao điểm của vụ thu hoạch đã bị đẩy lùi vào tháng 7. Theo dự đoán, năm nay thu hoạch tôm ở Thái Lan sẽ giảm từ 10 – 15%, điều này đã dẫn đến việc tăng giá lên 40%. Với diễn biến thay đổi này, người nông dân đã chuyển từ canh tác theo hợp đồng sang mua bán giá nóng và thanh toán bằng tiền mặt, trong khi đó để giảm thiểu các nguy cơ, các nhà đóng gói chỉ nhận những đơn hàng giao hàng tối đa là ba tháng. Tình hình cung chỉ bắt đầu cải thiện từ giữa tháng 6/2011.
So với hai năm qua, triển vọng nguồn cung năm nay đã được cải thiện ở Indonesia. Ở Việt Nam, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến 53.000 ha diện tích tôm nuôi ở 7 tỉnh trong khu vực ĐBSCL, chiếm gần 10% diện tích thả nuôi và hơn 98% diện tích thiệt hại của cả nước. Điều này đã khiến cho nhiều nhà máy chế biến phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, chỉ vận hành 50 – 60% công suất do không đủ nguyên liệu và đẩy giá thành lên từ 210.000 – 240.000 VNĐ/kg. Tình trạng này có thể vẫn diễn ra trong hai tháng tiếp theo.
Ngược lại, ở miền Nam Ấn Độ lại có một vụ mùa bội thu trong tháng 6 và 7. Các nhà máy chế biến phải tăng cường hoạt động hai ca với công suất 150 – 200% để đáp ứng cho nguồn cung lớn. Thị trường Mỹ tăng mạnh nhu cầu đối với tôm Ấn Độ. Nông dân Ấn Độ tăng cường sản xuất tôm thẻ chân trắng, trong khi đó nguồn cung tôm sú lại giảm. Năm 2010, nước này đã thu hoạch 150.000 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tăng hơn so với 105.000 tấn năm 2009. Kolkata vẫn là vùng chính nuôi tôm sú và vùng nuôi trồng thủy sản phía Nam đang có xu hướng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Trên thị trường toàn cầu, giá tôm ngày càng tăng
Mỹ vẫn chứng tỏ sức mạnh
Trong quý I/2011, Mỹ đã nhập khẩu 115.200 tấn tôm, trị giá 1.009,4 triệu USD, tăng 3,9% về khối lượng và 31,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù giá tăng vọt nhưng nhập khẩu vẫn có sự tăng nhẹ. Đây là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và lòng tin của người tiêu dùng. Giá trị nhập khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh đạt hơn 100 triệu USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2010, giá trị nhập khẩu tôm vỏ đông lạnh không đầu cũng cao hơn.
EU tăng trưởng bất chấp khủng hoảng
Bất chấp khủng hoảng tài chính hiện nay ở một số nước thành viên, nhu cầu tôm tại thị trường EU vẫn tăng trưởng mạnh. Quý I/2011, nhập khẩu tôm đông lạnh từ nhà cung cấp lớn thứ 3 vào EU tăng 19,1% về khối lượng và 42,7% về giá trị trong từng năm, tổng cộng là 103.972 tấn, trị giá đạt 736 triệu USD. Ecuador là nhà cung cấp hàng đầu, tăng 35,9% về số lượng, theo sau là Ấn Độ tăng 11,5%, Greenland tăng 34,7%, Trung Quốc tăng 31%, Bangladesh tăng 38,6%, Việt Nam tăng 39,6% và Argentina tăng 78,5%. Sự gia tăng mạnh về giá trị cho thấy, giá tôm ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung từ các nước châu Á và nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các thị trường lớn khác.
Nhập khẩu tôm vào các nước tại EU đều tăng, trừ Pháp và Đan Mạch. Nhập khẩu tôm vào Tây Ban Nha vẫn tăng rất mạnh, 44% từng năm. Trung Quốc và Argentina là hai nhà cung cấp hàng đầu vào thị trường này, tăng 52% và 105% trong năm nay. Ecuador và Thái Lan cũng đẩy mạnh xuất khẩu để đạt được sự tăng trưởng ở thị trường Tây Ban Nha.
Tại thị trường Italia, Ecuador vẫn duy trì vị trí số một nhưng nguồn cung giảm 2%, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ và Argentina tăng mạnh 38,5% và 27,3%. Nhập khẩu vào thị trường Pháp và Đan Mạch suy giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị.
Nhập khẩu vào thị trường Anh có mức tăng trưởng đáng kế, đáng chú ý nhất là sự gia tăng 19% của mặt hàng tôm đông lạnh. Tương tự, nhập khẩu vào Đức và Italia lần lượt tăng 6,7% và 8%. Việt Nam tăng gấp đôi các lô hàng trong năm nay và trở thành nhà cung cấp lớn nhất, vượt qua Thái Lan tại thị trường EU.
Ấn Độ – thị trường đáng chú ý
Với 7.300 tấn, tăng thị phần từ 3,2 – 6,3%, Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ sáu trên thế giới. Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định, sản lượng tôm của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng khi vụ mùa sắp tới được dự đoán là bội thu.
Nguồn cung tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng đã được cải thiện kể từ giữa tháng 6/2011 từ hai quốc gia cung cấp hàng đầu là Ấn Độ và Thái Lan, do đó chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh về giá trong những tháng tới.
Nga – thị trường tăng trưởng cho tôm nuôi
Giữa tháng 1 và 3 năm 2011, Nga đã nhập khẩu 18.447 tấn tôm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc – nhà cung cấp lớn thứ hai, đã bán được hơn 79% trong năm nay, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 63%. Nhu cầu cho nuôi tôm nhiệt đới đang phát triển nhanh chóng tại thị trường Nga, hiện nay đã phát triển đến 20% so với 5% trong năm 2005. Nga hiện đang thu hút rất nhiều các nhà đóng gói châu Á.
>> Một số chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng nhưng sẽ có áp lực để giữ giá cao.
Hạnh Nguyên
Lược dịch từ Globefish