(TSVN) – Ngành thủy sản Việt Nam đang phát triển vững chắc, dù đại dịch thế kỷ ảnh hưởng đáng kể. Trong sự phát triển của ngành, có đóng góp không nhỏ của báo chí, truyền thông.
Báo chí, với sức mạnh và giá trị “vô giá” về thông tin, độ chính xác, nhanh nhạy, chân thực đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, với ngành thủy sản nói riêng. Khó có thể hình dung nếu như bây giờ ngành thủy sản lại thiếu đi những tạp chí, những tờ báo, các hoạt động sự kiện, hội thảo, triển lãm… Thế giới, với hàng trăm nước, hàng tỷ khách hàng, sẽ hiểu biết như thế nào về con tôm, con cá Việt Nam? Chắc chắn phần lớn là nhờ các kênh thông tin, báo chí.
Ngành thủy sản Việt Nam từng phải trả giá khá đắt trên mặt trận thông tin vì những tin giả, tin sai sự thật về quy trình nuôi cá tra, về chất lượng sản phẩm hay ô nhiễm kháng sinh trên con tôm… Những thông tin, bài báo không đúng sự thật khiến cho người tiêu dùng lo ngại, các nhà nhập khẩu lập tức quay lưng do sợ sản phẩm không bán được. Nhưng nhờ chủ động kết nối với báo chí trong nước, quốc tế, trên tinh thần minh bạch thông tin, báo chí đã dần đăng tải những bài báo phản ánh đúng sự thật về chất lượng nuôi trồng thủy sản, đánh tan những tin giả sai sự thật. Từ đó, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày càng phát triển.
Có lúc tập đoàn Việt Úc, một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam gặp sự cố truyền thông trên trường quốc tế trong vấn đề cổ phần, nhưng nhờ báo chí trong nước và quốc tế nhanh chóng vào cuộc, bảo vệ uy tín thương hiệu cho tập đoàn nên việc kinh doanh không ảnh hưởng.
Trong lĩnh vực thông tin trên trường quốc tế, báo chí ngày nay phần lớn đánh giá cao thành tựu của thủy sản Việt Nam.
Ông Lương Thanh Văn, Tổng giám đốc tập đoàn thủy sản Việt Úc kể với phóng viên: “Một nhà báo Úc sang Việt Nam, muốn gặp tôi viết bài. Tôi tiếp anh ấy, kể lại mọi việc về cuộc đời tôi, từ lúc khó khăn, tay trắng đến khi thành công như thế nào. Anh ấy viết bài và đăng lên báo chí Úc, xôn xao dư luận, rất nhiều người biết tới chúng tôi. Sự thật là báo chí tự tìm tới, tự viết bài về tôi chứ chúng tôi không tìm tới họ. Tôi nghĩ rằng, mình làm việc tốt, sẽ được cộng đồng báo chí trong nước và quốc tế ghi nhận. Đó là niềm vui và sự hãnh diện lớn nhất của chúng tôi”.
Tạp chí Thủy sản Việt Nam là một trong số ít tạp chí chuyên ngành thủy sản Việt Nam được thực hiện bài bản, khoa học, hiện đại, với chất lượng in ấn thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tạp chí có các ấn phẩm về thủy sản nói chung, về con tôm, cá tra và basa, trong đó có những ấn phẩm tiếng nước ngoài. Có thể nói, người nuôi tôm suốt năm cặm cụi trên đồng ruộng, tờ báo chính là người bạn đường không thể thiếu.
Ấn tượng lớn nhất của phóng viên là trong những lần tới làm việc tại các liên doanh nước ngoài trong ngành thủy sản, phóng viên nhìn thấy các liên doanh thủy sản hoạt động tại Việt Nam cẩn thận đóng gói từng cuốn Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới nhất, để gửi đi các nước cho các nhà đầu tư, các nhà quản lý, đối tác, các viện nghiên cứu… “Chúng tôi tự hào khi doanh nghiệp chúng tôi xuất hiện trên tờ Thủy sản Việt Nam, tờ báo lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam. Chúng tôi muốn đem tin vui này tới các đối tác, các khách hàng của chúng tôi trên toàn thế giới”.
Một số liên doanh nước ngoài cho biết: “Tất cả các số Tạp chí Thủy sản Việt Nam đều được chúng tôi gửi về đại bản doanh tại châu Âu, châu Á”. Có thể nói, sự tin tưởng và đánh giá cao của bạn đọc cũng là niềm khích lệ cho người làm báo trong ngành thủy sản. Nhà báo Dương Xuân Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Thủy sản Việt Nam nói: “Báo chí phục vụ bạn đọc, phục vụ doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển chung. Có những ấn phẩm chúng tôi chấp nhận lỗ về doanh thu, nhưng vẫn duy trì vì sự phát triển chung của ngành”.
Nếu báo chí thủy sản trước kia chỉ đơn thuần là báo giấy thì ngày nay đã phát triển các tờ báo điện tử, các ấn phẩm PDF. Đặc biệt lĩnh vực tổ chức sự kiện rất được chú ý. Ngoài lĩnh vực cập nhật các quy trình kỹ thuật nuôi, các kiến thức về giống, về xử lý môi trường, báo chí thủy sản còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nuôi.
Báo chí chính là nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị vật chất lẫn tinh thần của ngành thủy sản. Bởi vậy triển lãm quốc gia về ngành tôm, VietShrimp do Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức thường chỉ vài tháng sau khi thông báo đã thu hút từ 200 – 300 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế đăng ký tham gia. Các triển lãm thu hút hàng chục vạn người xem, tương tác, với nhiều hợp đồng ký kết.
Một lãnh đạo tập đoàn lớn của Thái Lan nói với phóng viên: “Ngành thủy sản Việt Nam phát triển nhanh một phần là do sự phát triển của báo chí truyền thông. Mỗi sự kiện về thủy sản có thể thu hút mấy chục tờ báo tham gia đưa tin. Chúng tôi rút ra một bài học đó là muốn phát triển tại Việt Nam không thể không nhờ sự hỗ trợ từ báo chí”.
Mục tiêu phát triển của báo chí ngành thủy sản Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu đưa thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Mục tiêu chung, đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 – 4,0 %/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD.
Vấn đề chi phí đầu tư cho báo chí truyền thông được xem là then chốt cho phát triển thương hiệu cũng như thị trường. Các hiệp hội hiện nay đều có ngân sách cho phát triển báo chí, truyền thông, xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế và tại thị trường nội địa.
Tuy vậy, với những doanh nghiệp nhỏ, những gia đình nông dân, các trang trại lẻ thì việc có kinh phí để mua báo chí, để truyền thông, quảng bá không phải chuyện dễ dàng. Được biết, hiện một số mạnh thường quân là doanh nghiệp lớn đã hỗ trợ việc phổ cập thông tin đến người nuôi bằng việc bỏ kinh phí để mua báo tặng cho các độc giả vùng sâu vùng xa.
Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp… báo chí ngành thủy sản Việt Nam ngày càng phát triển, để thường xuyên cập nhật kiến thức tin tức cho người nuôi trồng thủy sản, giúp cho ngành phát triển vững chắc, hiện đại.