Báo động ô nhiễm môi trường biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ô nhiễm môi trường biển đang trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng và cấp bách, đe dọa sự bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, cần lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển; dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo. 

Tầm quan trọng

Biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền; một trong những ưu tiên hàng đầu trong toàn hệ thống chính trị, được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý Nhà nước về biển, đảo từ Trung ương đến địa phương từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả. Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về vấn đề này còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất. Mặt khác, các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển đang trong quá trình xây dựng; đồng thời, không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định về lĩnh vực này còn những bất cập nhất định.

Tình nguyện viên lặn biển dọn rác tại các bãi san hô thuộc Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Xuân Nguyên

Gia tăng ô nhiễm môi trường

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố gần đây cho thấy, trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường biển. Đặc biệt, nước biển dâng trong bão kèm theo sóng lớn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng do mực nước dâng cao bất ngờ, gây ngập lụt khu vực ven biển; môi trường do xả thải chất thải công nghiệp (điển hình là sự cố môi trường nghiêm trọng do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa) và sự cố tràn dầu… Các sự cố môi trường biển thường để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, hệ sinh thái biển, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và NTTS, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Các tác động trên đã làm chất lượng môi trường nước biển bị suy giảm, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra ở các tỉnh, thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển ĐBSCL…

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay, ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).

Do vậy, giải pháp được đưa ra để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đó là: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020 – 2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

>> Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng, khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!