Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng người dân đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ, chướng ngại vật, khai thác thủy sản trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển, luồng tàu, vùng quay trở tàu Cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) lại tái diễn, gây cản trở giao thông đường thủy, làm thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị, tàu thuyền đăng ký kinh doanh, hoạt động tại bến cảng này.
Vi phạm trở lại và nguy hại hơn trước
Có mặt tại khu vực cảng Chân Mây vào những ngày đầu tháng 11/2013, chúng tôi nhìn thấy từng hàng phao nổi, lưới chìm người dân giăng khắp các luồng tàu, vùng quay trở tàu của cảng, trông như ngư trường đánh bắt. Nhiều thuyền thúng, gọ (thuyền máy nhỏ) của ngư dân quần thảo quanh khu vực cảng để khai thác tôm hùm; khu vực trên bờ của vùng vịnh Chân Mây cũng lác đác lán trại của người dân trong coi ngư lưới cụ khai thác tôm hùm.
Khá nhiều thuyền thúng, thuyền máy cùng ngư lưới vụ quần thảo khắp các luồng tàu gây cảng trở hoạt động của các tàu thuyền ra vào Cảng – ảnh chụp ngày 13/11/2013
Đỉnh điểm là từ 17 giờ chiều 13/11 kéo dài đến 9h sáng 14/11, hàng chục hộ ngư dân bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng đã đặt hàng trăm bộ đáy rớ đánh bắt tôm hùm giống trong luồng lạch và khu neo tàu ở cảng Chân Mây. Hậu quả, tàu Taio Frontier (Nhật Bản), tải trọng 35.000 DWT, theo kế hoạch sẽ cập cảng Chân Mây lúc 17h ngày 13/11 để nhập gỗ dăm không thể cập cảng đúng thời gian. Hoạt động tại cảng Chân Mây bị ngưng trệ gần 15 tiếng đồng hồ, gây thiệt hại nặng nề cho chủ tàu và doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương (chủ yếu ở xã Lộc Vĩnh – Phú Lộc), cứ vào mùa biển động, nhất là khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm, tôm hùm từ biển dạt vào sống và trú ẩn trong khu vực vịnh Chân Mây nên ngư dân giăng lưới ken dày đánh bắt, lượng tôm đánh bắt ở đây chủ yếu là loại nhỏ để làm tôm giống với giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi hộ dân kiếm được vài trăm nghìn/ngày, cá biệt có trường hợp thu nhập 3-4 triệu đồng/ngày do vậy người dân bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Giám đốc Cty TNHH 1TV Cảng Chân Mây cho biết, kế hoạch tàu du lịch đăng ký cập Cảng trong 2 tháng cuối năm 2013 khoảng 10 tàu với hàng ngàn hành khách và thủy thủ, cùng với nhiều tàu ra, vào nhập khẩu hàng hóa, nếu không kịp thời ngăn chăn, xử lý sẽ không đảm bảo an toàn cho các tàu cập Cảng và dể có nguy cơ xảy ra sự cố.
Thực tế thời gian qua, nhiều tàu hàng cũng như tàu du lịch đã bị vướng vào ngư lưới cụ của người dân làm chậm trễ hải trình, chương trình thăm quan của du khách. Tuy nhiên việc tháo dỡ, giải tỏa ngư lưới cụ và phong tỏa người dân không được khai thác hải sản trong vùng nước của cảng đòi hỏi có đủ lực lượng và phương tiện lớn, do vậy cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự triển khai đồng bộ hiệu quả của các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Phú Lộc. Về lâu dài, tình trạng đặt ngư lưới cụ trong luồng tàu không xử lý dứt điểm thì tàu du lịch sẽ không đến cảng Chân Mây vì không đảm bảo an toàn.
Tình trạng này đã được được ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão Haiyan vừa qua khi một số tàu lai dắt đậu gần cầu cảng Chân Mây rất khó di chuyển khỏi khu vực cầu cảng trong tình trang khẩn cấp để vừa trú bão vừa đảm bảo an toàn cho cầu cảng do tình trạng đáy rớ, ngư lưới cụ giăng kín luồng tàu. Theo ông Thọ, nguy cơ hư hại tàu và cầu cảng do va đập khi bão vào là hiện hữu, song để di chuyển tàu ra khỏi khu vực cầu cảng để trú ẩn an toàn trong tình trạng này thì quá khó do vướng lưới và đáy rớ.
Hành động quyết liệt lập lại trật tự an toàn hàng hải
Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Phú Lộc khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý khai thác thủy sản trái phép tại khu vực cảng Chân Mây và xây dựng kế hoạch xử lý trong các tháng cao điểm mùa vụ khai thác thủy sản, tôm hùm năm 2013-2014, thực hiện quyết liệt và liên tục các biện pháp đã được triển khai có hiệu quả, để giáo dục và hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các ngư dân, tuân thủ nghiêm các quy định đánh bắt hải sản, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải tại vùng nước cảng biển Chân Mây.
Ông Ngô Văn Tuân – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hải khu vực Cảng Chân Mây cho biết: Từ giữa tháng 11/2013 đến hết tháng 2/2014, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung đợt cao điểm xử lý các vi phạm, lập lại trật tự, an toàn hàng hải khu vực Cảng. Theo đó, sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các hộ ngư dân tự giác không khai thác thủy sản, đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ trái phép; đồng thời ngành giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Phú Lộc, Công an tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây, Cảng vụ Hàng hải, Cty TNHHMTV Cảng Chân Mây huy động lực lượng, phương tiện canô, thuyền, tàu lai dắt… tham gia xử lý tháo dỡ các chướng ngại vật, đáy rớ, ngư lưới cụ đăng đặt trái phép trong phạm vi vùng nước, vùng quay trở tàu KV Cảng.
Ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cũng cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, huyện sẽ huy động lực lượng của địa phương tham gia tháo dỡ, xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Huyện cũng mong muốn tạo điểm đến an toàn cho tàu du lịch và tàu xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn.
Kết luận liên quan đến tình trạng đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ trong vùng cấm của cảng Chân Mây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tỉnh khẳng định không thể để tình trạng này tiếp diễn, bởi nó gây cản trở, thiệt hại lớn cho các tàu ra vào cảng, khó khăn cho việc bảo vệ an toàn cầu cảng trong mưa bão. Chúng ta không vi lợi ích nhỏ của một bộ phận ngư dân mà ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh, an toàn của cảng, tác động xấu đến sự phát triển của tỉnh. Các ngành liên quan phối hợp với huyện Phú Lộc kiên quyết cưỡng chế và chấm dứt tình trạng này, ông Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh.