Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), cho biết mỗi ngày trên địa bàn huyện có trên 50 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển.
Mặc dù lực lượng chức năng đã xử phạt hàng chục vụ vi phạm nhiều lần, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện mà còn có dấu hiệu tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Cụ thể, trong tháng 3, lực lượng chức năng phát hiện 157 vụ vi phạm, nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4 đã phát hiện tới 112 vụ.
Hình thức vi phạm phổ biến là người dân dùng các dụng cụ thô sơ săn bắt các loài thủy hải sản ven biển, chặt phát cây rừng phòng hộ. Hành vi này đã làm cho suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven biển, rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá, ô nhiễm môi trường cũng như làm cho ven biển vốn bị sạt lở nghiêm trọng nay lại còn nghiêm trọng thêm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Áp lực cuộc sống hàng ngày của người dân đang khiến các vùng ven biển của Cà Mau đứng trước các nguy cơ nghiêm trọng như vỡ đê do sạt lở, nguồn lợi thủy sản bị xâm hại.
Cụ thể là mỗi ngày ở đây có hàng hàng trăm lượt người dùng những dụng cụ thô sơ như lưới, nò, đó, lú, lờ… bắt tôm cá. Đáng chú ý là đa số người này đều là đối tượng nghèo, không nhà, không đất sản xuất, không có việc làm nên đặt ra cho chính quyền địa phương bài toán nan giải.
Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh sẽ quy hoạch phân vùng sản xuất, trong đó cho phép người dân tổ chức nuôi một số loài thủy sản như nghêu, sò, tôm, cá… để khai thác cải thiện cuộc sống.
Tỉnh giao đất giao rừng để dân quản lý nhưng phải tổ chức trồng rừng gắn với công tác bảo vệ rừng. Riêng khu vực vườn quốc gia, khu vực Bãi Bồi, tỉnh sẽ áp dụng lệnh cấm mọi hình thức săn bắt các loài thủy sản. Đây biện pháp tích cực nhằm bảo vệ hài hòa lợi ích của người dân gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển.