T2, 06/07/2020 09:52

Bao giờ hết bán đổ bán tháo?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thế giới đang tiếp tục tăng. Thực tế trong nước, nhiều nhà máy không đủ nguyên liệu cá tra để sản xuất, xuất khẩu; vậy mà cá tra nguyên liệu vẫn cứ dư thừa theo chu kỳ, người nông dân đang bán tháo cá tra với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Đó là hậu quả của việc phát triển “nóng”, làm cấu trúc ngành bị phá vỡ, trong đó yếu tố lớn nhất là sự “đứt gãy” giữa khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến…

Thừa trong lúc thiếu

Những ngày qua, tại các vùng nuôi cá tra tập trung ở ĐBSCL, người nuôi đang lao đao vì giá cá giảm mạnh. Lạ một điều là cách đây vài tuần, khi giá cá tăng cao thì người nuôi lại không chịu bán. Nay giá giảm, họ đổ xô kêu bán, gây nên tình trạng bán tháo cá tra. Ông Nguyễn Văn Lai – ở huyện Chợ Lách, Bến Tre – cho biết, vụ này gia đình ông vay tiền đầu tư trên 2 tỉ đồng nuôi cá tra. Hiện cá đạt trọng lượng gần 1 kg/con, ông kêu bán giá 25.000 đ/kg, nhưng DN chưa chịu mua. Tình trạng này càng kéo dài ông Lai càng lỗ, vì khi cá lớn từ 1,2 kg/con trở lên, giá giảm thêm 1.000 đ/kg và càng khó bán, trong khi nợ ngân hàng sắp tới hạn. Vì vậy mà ông đang định giảm tiếp giá bán.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ – kể: Ông mới vừa tháp tùng đoàn DN đi Châu Âu dự hội chợ thủy sản quốc tế trở về, ông thấy các DN VN chào được giá bán khá tốt (3,4 – 3,5 USD/kg cá tra philê). Trên đường trở về, ông mừng thầm vì có thể giá mua cá tra nguyên liệu sẽ tăng theo. Thế nhưng, ông thật bất ngờ khi về tới nhà thấy giá cá tra giảm mạnh. Những người nuôi cá tới lứa phải bán tháo lúc này vì lo lắng giá cá sẽ giảm sâu hơn nữa, như đã từng xảy ra trong năm 2009.

Trong giao dịch mua bán cá tra hiện nay giữa các DN và người nuôi có một quy định nghiệt ngã như sau: Cá nặng từ 1,2 kg/con trở lên bị giảm giá khoảng 1.000 đ/kg; cá càng lớn, giá càng giảm. Nhiều DN chỉ chấp nhận mua cá từ 0,7 – 1 kg/con, quá mức đó họ không mua hoặc mua với giá “rẻ như bèo”. Vì vậy mà nếu vì lý do nào đó người nuôi không kịp bán khi cá vừa "tới lứa”, để nó vượt qua ngưỡng cho phép, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá tra VN xuất khẩu chủ yếu dưới dạng philê. Ban đầu cá tra chủ yếu xuất sang Châu Âu – nơi các thực khách thường ăn món cá tra chiên xốt cà nguyên miếng philê (mỗi miếng philê nặng khoảng 150 gr, sản xuất từ con cá tra nặng 0,9 – 1 kg/con). Nếu cá lớn hơn, miếng philê cũng lớn hơn, không phù hợp thị hiếu của thực khách. Việc tiêu thụ cá tra có độ lớn trên dưới 1 kg/con đã trở thành thói quen thương mại, cá lớn hơn rất khó tiêu thụ, giá bán thấp.

 

Những bước đi đầu tiên

VASEP vừa tổ chức cuộc họp với 25 nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu để đưa ra giá sàn xuất khẩu cá tra là 3,3 USD/kg. Từ đó, các DN đưa ra giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu trong nước là 26.000 đ/kg. Các DN cũng cam kết thu mua hết cá tra nguyên liệu quá lứa đang còn trong dân. Các DN còn tỏ rõ thiện chí khi chấp nhận để người nuôi có lãi ít nhất 15%, trong khi DN chỉ cần lãi 5%.

Nếu thiện chí trên là có thật, nó cũng chỉ mang tính “từ thiện”, nhất thời, vì các DN thừa hiểu nếu người nuôi thua lỗ, phải “phơi ao”, thì các DN cũng bị “phơi nhà máy”. Làm sao để chuyện “con cá tra” không còn mang tính “chữa cháy” như thế, điều mà TS Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản – gọi là “sự phát triển bền vững”? Nhiều DN đã đầu tư nuôi cá trên diện tích lớn, bằng cách thuê ao của người dân với giá hợp lý, thuê người dân chăm sóc, nhận khoán…; bằng cách đó, họ chủ động nguồn cá cho sản xuất, đồng thời người nông dân cũng có thu nhập khá mà không sợ rủi ro.

Kỳ Quan

Theo Lao Động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!