Bảo hiểm nông nghiệp: Câu chuyện dài chưa có hồi kết

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 9/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký hành Quyết định 315/QĐ-TTg thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn rất khó cho các doanh nghiệp đứng ra bảo hiểm nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, trung bình mỗi năm, tổng thiệt hại về nông nghiệp có lúc chiếm trên 10% GDP cả nước, song để có một gói bảo hiểm toàn diện cho nông nghiệp, nói thì dễ nhưng hiện thực hóa vấn đề lại là chuyện khác.

 

Nơi cần thì không, nơi không thì có

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Bảo Việt đã có chương trình bảo hiểm nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp và tồn tại khá lâu trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi mô hình hợp tác xã không còn thì bảo hiểm nông nghiệp cũng từ từ mất đi vì chăn nuôi, trồng trọt hay nuôi trồng thủy sản đi về các hộ gia đình nên gây ra tình trạng manh mún, nhỏ lẻ nên bảo hiểm nông nghiệp không còn phù hợp.

Năm 2010, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đưa ra gói bảo hiểm cho cây cao su trước bão. Tuy nhiên, gói bảo hiểm này chỉ bảo hiểm cho vùng trồng cao su tại các tỉnh Tây Nguyên, một phần Đông Nam bộ mà không có các tỉnh Duyên hải miền Trung – nơi được coi là “rốn” bão của nước ta. Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cao su Quảng Ngãi cho biết, đã tìm hiểu để có thể tham gia mua gói bảo hiểm này. Song, câu trả lời mà BIC đưa ra là chưa đưa cây cao su trồng tại các tỉnh miền Trung vào danh mục bảo hiểm. Điều này cũng dễ hiểu vì thời tiết ở đây khắc nghiệt và thường xuyên bị bão nên việc chấp nhận bảo hiểm cho cây cao su ở miền Trung sẽ là mạo hiểm.


Do đặc thù hạn hán, lũ lụt thất thường nên các doanh nghiệp vẫn không mặn mà với bảo hiểm cho cây lúa        Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Mới đây, ngày 5/1/2011, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cũng chính thức đưa ra gói bảo hiểm Sản phẩm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số (thí điểm đối với rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê tại Đắk Lắk). Theo đó, hợp đồng bảo hiểm được Bảo Minh ký với nông dân sẽ được dựa vào việc đo lường tổng lượng mưa tại trạm đo mưa gần nhất. Nếu tổng lượng mưa trong suốt thời hạn bảo hiểm đo được tại trạm đo mưa xuống thấp hơn một ngưỡng nhất định được thống nhất từ trước, Bảo Minh sẽ trả tiền bồi thường cho người nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Được, xã Eangai, Krongbuk, Đắk Lắk cho biết, trong thời gian hạn nặng nhất thì vùng trồng cà phê tại Krongbuk không lo thiếu nước tưới cho cà phê nên việc mua bảo hiểm rủi ro hạn hán (nghĩa là bảo hiểm nguồn nước) đối với gia đình ông là không cần thiết. “Bảo hiểm hạn hán cho một vùng đất không lo thiếu nước thì gói bảo hiểm này khó thành công», ông Được cho biết.

Ông Huỳnh Công Dư ở xã Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương, chủ trang trại bò sữa hơn 150 con cho biết, trước đây cũng có một công ty bảo hiểm đến đặt vấn đề muốn bảo hiểm cho đàn bò sữa. Tuy nhiên, hợp đồng giữa hai bên không được ký vì phía công ty bảo hiển yêu cầu đóng phí 2 triệu đồng/con/năm và trong thời gian bảo hiểm, trong 100 con chỉ chết dưới 5 con thì mới được đền bù bảo hiểm, còn vượt quá thì không. Giá trị đền bù một con bò sữa bằng giá trị bò thịt bán trên thị trường, tương đương 6 – 7 triệu đồng/con, trong khi giá một con bò sữa là 20-25 triệu đồng.

 

Khó cho doanh nghiệp bảo hiểm

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta là ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, đa phần người chăn nuôi theo kiểu “bỏ ống tiết kiệm” nên chẳng có công ty bảo hiểm nào đủ can đảm xây dựng gói bảo hiểm cho người chăn nuôi. Còn trồng trọt, trong đó, chủ yếu là cây lúa lại càng khó vì hạn hán, lũ lụt năm nào cũng xảy ra nên doanh nghiệp nào đứng ra bảo hiểm cho cây lúa chỉ có cách phá sản.

Đối với mô hình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh, thành vừa được Chính phủ phê duyệt, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trước khi có mô hình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đã có Quyết định 142/2009/QĐ- TTg do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 31/12/2009 về chính sách hỗ trợ thiên tai. Tuy nhiên, số tiền mà người dân nhận được từ quyết định này chỉ ở mức hỗ trợ. Còn theo quyết định mới này, Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân phí bảo hiểm nông nghiệp từ 20-100% khi mua các gói bảo hiểm nông nghiệp từ các công ty bảo hiểm.

Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, để bảo hiểm nông nghiệp của các công ty được áp dụng rộng rãi, bắt buộc phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp phù hợp, nghĩa là phát triển các hình thức nông trang, nông trại, nông dân liên kết thành hợp tác xã.

Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, bảo hiểm nông nghiệp vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Những nét chính trong Quyết định 315/QĐ-TTg

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, Chính phủ sẽ hỗ trợ từ 20-100% phí bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân tại 21 tỉnh, thành trên cả nước, áp dụng từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013. Trong đó, 4 điều kiện được hỗ trợ là: 1- Có đối tượng được bảo hiểm theo quy định; 2- Có quyền lợi được bảo hiểm; 3- Tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình; 4- Thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Doanh nghiệp triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: 1- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ; 2- Đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; 3- Có hệ thống công ty, chi nhánh, văn phòng giao dịch tại địa bàn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; 4 – Có đội ngũ nhân viên làm bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm và khu vực thực hiện thí điểm:

Đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm là Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.

Đối với nuôi trồng thủy sản cho cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!