T2, 06/07/2020 10:13

Bảo hiểm tàu cá tại Phú Yên: Mua dễ, giải quyết bồi thường khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Lúc bán bảo hiểm tàu cá, các đại lý không hề tư vấn cho khách hàng về các điều kiện tham gia. Đến khi rủi ro xảy ra, ngư dân mới tá hỏa vì trường hợp của mình thuộc điều khoản loại trừ trong quy tắc bảo hiểm nên không được giải quyết bồi thường.

Rủi ro nhưng không được bồi thường

Ông Lê Anh Dũng, chủ tàu PY-90973TS ở phường 4, TP Tuy Hòa cho biết: Trước đây, tàu của tôi chỉ có công suất 165CV; ngày 25/3/2012, tàu bị gãy cốt máy nên gia đình thay máy mới với công suất 410CV. Người điều khiển tàu là con rể tôi, Phan Thành Đắc có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng V. Dù muốn thi nâng hạng bằng để lái tàu công suất trên 400CV theo đúng quy định, nhưng tại Phú Yên không có khóa học nên đành tiếp tục điều khiển tàu của mình, chờ có khóa để học và thi lấy bằng mới. Ngày 16/9/2012, tàu PY-90973TS va vào đá ngầm, chìm tại vùng biển có tọa độ 8022’ vĩ độ bắc, 115015’ kinh độ đông; tổn thất gần 1,3 tỉ đồng (kể cả máy móc, thiết bị và tài sản trên tàu). Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình tôi đã gửi hồ sơ đến Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) chi nhánh Phú Yên (Bảo Long Phú Yên) – nơi bán bảo hiểm cho tàu PY-90973TS để yêu cầu giải quyết bồi thường nhưng bị khước từ. 

tau-ca121221.jpg

Gia đình ông Lê Anh Dũng đang đóng mới tàu cá ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa)- Ảnh: V.An

Theo ông Dũng, tại thời điểm mua bảo hiểm (ngày 14/4/2012), giá trị thân tàu PY-90973TS được Bảo Long Phú Yên định giá là 700 triệu đồng, phí bảo hiểm trong thời gian 1 năm gần 10,4 triệu đồng. Thế nhưng, lúc ông đến mua bảo hiểm tại doanh nghiệp này, mặc dù đã trình đầy đủ giấy tờ, hồ sơ liên quan đến tàu và bằng cấp của thuyền trưởng, máy trưởng, nhân viên bán bảo hiểm vẫn không hề tư vấn hay nói rõ về những điều khoản loại trừ trong quy tắc bảo hiểm. Đến khi, tàu gặp tai nạn, chúng tôi mong muốn được bồi thường để bù đắp tổn thất thì công ty bảo hiểm mới bảo rằng hồ sơ gặp trục trặc, phải chờ một thời gian. Gần 3 tháng sau, Bảo Long Phú Yên có công văn trả lời bảo hiểm không giải quyết bồi thường cho chủ tàu PY-90973TS vì lý do “không thuộc trách nhiệm bảo hiểm”. “Tại sao khi bán bảo hiểm, đại lý không nói rõ cho tôi biết là bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng V của con rể tôi không được phép điều khiển tàu trên 400CV mà chỉ bán cho lấy được để có doanh thu; đến khi tổn thất xảy ra thì lại bảo không đủ điều kiện giải quyết. Trước đây, khi tàu chỉ có công suất 165CV, tôi cũng mua bảo hiểm tại Bảo Long Phú Yên; khi nâng công suất tàu, cũng đơn vị này bán bảo hiểm nên biết rõ về việc này nhưng không hề có ý kiến gì. Đến lúc khách hàng gặp rủi ro thì lấy lý do này, lý do khác để từ chối. Điều đó thật không bình thường chút nào! Kiểu làm việc như thế này khiến chúng tôi mất niềm tin vào Bảo Long Phú Yên”, ông Dũng bức xúc nói.

Ngư dân cần được hỗ trợ 

Theo ông Trần Nam Hoàng, Giám đốc Bảo Long Phú Yên, đơn vị có nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường vụ tổn thất tàu cá PY-90973TS của chủ tàu Lê Anh Dũng. Tại thời điểm tàu PY-90973TS bị tai nạn, ông Phan Thành Đắc là người điều khiển phương tiện nhưng mới chỉ có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng V là không phù hợp với quy định hiện hành (đối với tàu cá trên 400CV phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng IV). Điều này thuộc vào điều khoản loại trừ trong quy tắc bảo hiểm tàu cá nên Bảo Long Phú Yên không giải quyết bồi thường cho vụ tổn thất này. “Công ty bảo hiểm không thể kiểm tra việc người mua có đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm hay không, nhưng khi rủi ro xảy ra thì bắt buộc người mua phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để đơn vị xem xét về những điều khoản loại trừ trước khi quyết định giải quyết bồi thường”, ông Hoàng cho biết thêm.

Với quyết tâm tiếp tục vươn khơi bám biển, gia đình ông Lê Anh Dũng đã vay mượn từ nhiều nguồn để đóng lại tàu mới. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh quá khó khăn, chiếc tàu mới đang được đóng lở dở, gia đình không có tiền để tiếp tục hoàn tất. Ông Dũng đã gửi đơn xin cứu xét đến Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên và Bảo Long Phú Yên.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên (Sở NN-PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nào đủ điều kiện được cấp phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tàu cá. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động khai thác thủy sản ở Phú Yên, để đáp ứng yêu cầu vươn ra khơi xa, đánh bắt thủy sản ở những vùng biển xa bờ theo chủ trương của Nhà nước, nhiều chủ tàu đã mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới, thay máy có công suất lớn nhưng lại chưa được tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng phù hợp theo quy định. Trước tình hình này, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đề nghị Bảo Long Phú Yên xem xét tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân trong lúc khó khăn, bị tai nạn trên biển. Ông Trần Nam Hoàng cho biết: Trường hợp của ông Lê Anh Dũng, công ty không thể đền bù thiệt hại nhưng có thể xin ý kiến của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long giải quyết hỗ trợ nhân đạo. 

Việt An - Thanh Hoài

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!