(TSVN) – Bão số 6 (bão TRAMI) được dự báo có hướng di chuyển phức tạp. Vì vậy, nhiều tỉnh thành đã lên phương án sơ tán dân và kêu gọi tàu thuyền tránh bão để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do bão.
Đến sáng nay (25/10), tất cả tàu cá của tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào bờ để tránh, trú bão TRAMI. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số tàu cá của địa phương này là 1.884 phương tiện với 10.685 lao động. Hiện, tất cả tàu cá của tỉnh đã vào bờ để tránh, trú bão. Tàu hàng đang neo đậu các khu cảng của Thừa Thiên Huế là 20 phương tiện với 166 thuyền viên và 1.999 tấn hàng.
Để ứng phó với bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, gió mạnh, sóng lớn trên biển. Tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, bãi ngang ven biển) biết diễn biến của bão, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngay từ sáng 25/10, khoảng gần 1.900 phương tiện tàu thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế đã vào bờ trú tránh bão. Ảnh: PV
Trước đó, ngày 24/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển triển khai bắn pháo hiệu báo bão tại 5 điểm để kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh, trú bão. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phát công văn gửi các đơn vị, ban, ngành, địa phương, người dân trên địa bàn yêu cầu lưu ý, chủ động ứng phó với bão và gió mạnh trên biển.
Sáng nay (25/10), tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), một trong những trung tâm nghề cá lớn nhất của miền Trung, rất đông tàu đánh cá của các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng… tấp nập vào bờ tránh trú bão TRAMI.
Trên đường Lê Đức Thọ, vịnh Đà Nẵng (quận Sơn Trà), ngư dân thả neo, dùng dây thừng buộc chặt tàu để tránh va đập khi gió bão. Khu vực cảng cá và âu thuyền Thọ Quang cũng xếp kín tàu cá của ngư dân miền Trung.
Trong khi đó, tại cầu cảng Đồn Biên Phòng Sơn Trà, từ chiều qua đến sáng nay, hàng trăm xuồng máy, thuyền thúng được ngư dân thuê xe cẩu lên dọc vỉa hè đường Hoàng Sa. Ở khu vực cửa sông Hàn, các tàu đánh cá công suất nhỏ của Đà Nẵng cũng di chuyển vào sâu phía trong để neo đậu.
Tính đến 11 giờ trưa nay, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng thống kê được 1.155 phương tiện/8.276 lao động neo đậu tại các bến. Đến trưa nay Đà Nẵng còn 4 tàu thuyền với 40 lao động đang hoạt động trên biển. Hiện, các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của bão. Bộ đội biên phòng thành phố duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền để kêu gọi vào bờ trú tránh an toàn.
Cụ thể, tỉnh Quảng Nam sẽ di dời 212.000 người nếu bão mạnh và di dời 396.000 người đối với siêu bão. Người dân sẽ được sơ tán đến ở xen ghép các nhà kiên cố hoặc sơ tán tập trung đến các cơ quan công sở, trường học.
Về tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, Quảng Nam có 54 chiếc tàu với 2.300 lao động. Trong đó, tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa có 50 tàu; vùng biển quần đảo Hoàng Sa còn 4 tàu cá với 112 lao động đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đơn vị phải có lãnh đạo thường trực 24/24 để chỉ đạo phòng chống bão, tăng cường kiểm tra lực lượng trang bị “4 tại chỗ”; Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã để kịp thời nắm bắt thông tin từ cấp địa phương. Sở NN&PTNT xem xét tình hình để tổ chức cấm biển để đảm bảo an toàn. Được biết, Quảng Nam cấm tàu thuyền hoạt động trên biển từ trưa 25/10.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến 15 giờ ngày 23/10, Quảng Ngãi còn 366 tàu cá với hơn 4.100 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển; 4.115 tàu với hơn 32.700 ngư dân đang neo đậu tại các bến. Tất cả các tàu, thuyền đều đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 6. Đối với các tàu thuyền ở trong khu vực ảnh hưởng của bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị khẩn trương di chuyển để tránh trú an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của bão, chiều 23/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương sử dụng hệ thống liên lạc nhằm thông báo cho thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về thông tin, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt lưu ý, các tàu, thuyền đang hoạt động tại khu vực phía bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa không chủ quan, khẩn trương di chuyển tránh trú ngay. Tổ chức kiểm đếm các tàu thuyền đang hoạt động trên biển; quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Duy trì thông tin liên lạc nhằm kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai công tác ứng cứu khi có yêu cầu.
Ngày 25/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão TRAMI. Theo dự báo, Bình Định có thể xảy ra mưa từ ngày 27 – 28.10, với lượng mưa từ 60 – 100mm, có nơi trên 120mm.
Hiện, toàn tỉnh Bình Định có 5.656 tàu với 39.816 lao động đang hoạt động ven bờ trong tỉnh và neo đậu tại bến; 583 tàu với 3.857 lao động hoạt động ở vùng khơi.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các địa phương ven biển đã liên lạc với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm bắt thông tin của bão để phòng tránh. Tính đến chiều qua (24/10), không có tàu cá Bình Định nằm trong vùng nguy hiểm.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh Bình Định cảnh báo mức độ khốc liệt của thiên tai hiện nay đến các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)