Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đó là chia sẻ của ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) với Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/2022).

PV: Ông có thể chia sẻ đôi điều về tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong đời sống của con người nói chung?

Hệ sinh thái thủy sinh có vị trí, vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế biển. Thứ nhất đây là khu vực tập trung sinh sản, khu vực tập trung sinh sống của các loài kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm. Thứ hai, là nơi cung cấp nguồn giống cho nuôi trồng, khai thác thủy sản, lưu trữ nguồn gen. Thứ ba, là phục vụ các ngành khác như y tế, sức khỏe đại dương, phát triển du lịch và kinh tế xã hội địa phương. Địa phương nào nhận thấy được vai trò, vị trí quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái thì địa phương đó sẽ phát triển, ví dụ: Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

PV: Những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn biển hiện nay là gì, thưa ông?

Có rất nhiều khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn. Đầu tiên là áp lực giữa phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn; giữa bảo tồn và sinh kế của cộng đồng ngư dân; nhận thức của chính quyền các cấp và người dân địa phương. Nhiều địa phương có khu vực đã được quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển theo Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, nhưng đã 8 năm rồi chưa thành lập và đưa vào hoạt động như: Hòn Mê (Thanh Hóa); Nam Yết (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận). Một số địa phương phát triển kinh tế nhưng chưa quan tâm đến bảo tồn biển như ở Khánh Hòa, doanh nghiệp xây dựng không phép trên đảo Hòn Tằm, đã hủy hoại hệ sinh thái san hô không có khả năng phục hồi; nơi có nhiều rạn san hô như Đảo Bình Ba, Rạn Trào, Vân Phong nhưng địa phương chưa quan tâm bảo tồn các hệ sinh thái san hô khu vực này. Kết quả, hệ sinh thái rạn san hô đang suy giảm nghiêm trọng do tác động du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu chỉ cần 20 loài kinh tế biến mất thì các hệ sinh thái biến mất, lúc đó nghề cá sẽ sụp đổ và chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để phục hồi.

Thứ hai là, cơ cấu tổ chức, bộ máy các khu bảo tồn biển chưa đồng bộ; số lượng biên chế trên khu bảo tồn biển quá ít, có những khu chỉ có 5 - 7 người (Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ), kiêm nhiệm; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển thì làm sao có thể quản lý hiệu quả một hệ sinh thái rộng 10.000 - 20.000 ha. Hơn nữa, nguồn kinh phí đầu tư cho bảo tồn không được ưu tiên, thiếu phương tiện, trang thiết bị đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý.

Thứ ba là, tình hình vi phạm pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, hiện không có hoặc chưa bố trí lực lượng Kiểm ngư tại các khu bảo tồn biển, mà các khu bảo tồn biển là đơn vị sự nghiệp, không có thẩm quyền xử phạt, như vậy ai sẽ là lực lượng xử phạt? Do đó, các Ban Quản lý Khu bảo tồn biển phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát Biển để thực hiện điều này. Tuy nhiên, sự phối hợp chưa bao giờ là đủ khi chúng ta chưa mạnh. Khi chưa đủ mạnh thì chúng ta mới phối hợp. Việc xử lý chưa quyết liệt nên các hành vi xảy ra liên tục, ngày càng tinh vi và phức tạp.

Thứ tư là nhận thức, chúng ta đã làm nhưng công tác tuyên truyền chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với chính quyền các cấp, cộng đồng ngư dân và xã hội, để hiểu hơn vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong đời sống của con người nói chung và trong sự phát triển kinh tế biển của địa phương.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả 2 cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên tại khu vực biển Vịnh Đầm Tre Ảnh: Quang Vinh

PV: Vậy đâu là giải pháp để khắc phục những tồn tại trong bảo tồn biển như ông đã chia sẻ?

Giải pháp đầu tiên vô cùng quan trọng đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức, phải tuyên truyền bằng nhiều công cụ, hình thức khác nhau phù hợp với văn hóa địa phương, nhằm thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi để chính quyền các cấp, người dân và xã hội thấy được tầm quan trọng mà đánh bắt có trách nhiệm, quản lý tốt hơn hệ sinh thái biển; đồng thời là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới mong có những thay đổi.

Thứ hai, các địa phương phải tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến khu bảo tồn biển, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay; kiên quyết thu hồi diện tích biển, đảo, ven đảo thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nội dung được phê duyệt; không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển, khu vực có phân bổ của các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn.

Thứ ba, các địa phương phải bố trí lực lượng Kiểm ngư; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái biển, khai thác nguồn lợi hải sản trái phép tại các khu bảo tồn biển.

Thứ tư, bố trí đủ kinh phí, biên chế và nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển; có chính sách hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển chuyển đổi nghề từ khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác nhằm giảm áp lực lên khu bảo tồn biển.

Thứ năm, các địa phương khẩn trương thành lập ngay các khu bảo tồn biển đã được quy hoạch; rà soát lại khu vực có hệ sinh thái biển tiềm năng, đề xuất để đưa vào quy hoạch.

Cuối cùng là, tập trung mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển; trồng, phục hồi các rạn san hô, cỏ biển và thả rạn nhân tạo nhằm phục hồi các hệ sinh thái san hô, cỏ biển và nguồn lợi thủy sản, thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PV: Hiện nay, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hệ thống sông ngòi và trên biển đang được ngành thủy sản và các địa phương thực hiện thường xuyên và liên tục, ông có thể đánh giá chung về hoạt động này?

Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, cùng với địa phương tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm thả 43 triệu con giống các loài về với tự nhiên; đã ký Biên bản ghi nhớ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thả cá, phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản; theo đó đến nay, đã có 43 địa phương đã ký quy chế với Giáo hội Phật giáo tỉnh thả cá, phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cái được lớn nhất là tác động đến người dân, xã hội, tăng ni, phật tử về trách nhiệm trong câu chuyện phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; huy động được nguồn lực lớn để thả cá; một số loài tại một số thủy vực đã được phục hồi.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, khoa học hơn nữa và chuyên nghiệp hơn nữa thì mới đảm bảo hiệu quả. Để làm được điều đó, chúng ta cần xác định, chọn đúng khu vực thả, loài để thả, sau đó phải đánh giá hiệu quả và giao cho cộng đồng bảo vệ, quản lý. Đồng thời, rất cần sự vào cuộc của cả 63 tỉnh, thành để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

PV: Nguồn lợi thủy sản biển đang ở mức báo động. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc ngành thủy sản cần có thời gian “cấm biển” để nguồn lợi được phục hồi, theo ông điều này liệu có khả thi và làm thế nào để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu áp dụng?

Giải pháp là hạn chế đánh bắt theo khu vực, vùng biển, nghề khai thác và thời gian khai thác. Không có gì là không thể nếu chúng ta thấy nó đúng. Nếu thấy đúng rồi mà chúng ta không làm thì đó là thiếu sót. Việc cấm khai thác có thời hạn thì chúng ta đã làm rồi chứ không phải là chưa làm, đó là đã xác định các khu vực cấm có thời hạn. Tuy nhiên, việc cấm cũng phải từng bước, không thể đột ngột cấm ngay. Cần thực hiện cấm theo từng nghề trong thời gian ngắn, thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng và phải có lộ trình.

PV: Hàng năm, ngành thủy sản sẽ có nhiều hoạt động tích cực nhân kỷ niệm ngày truyền thống (1/4), vậy năm nay, hoạt động trọng tâm của ngành là gì, thưa ông?

Hàng năm, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tích cực tổ chức các hoạt động như thả cá nhằm tạo sự lan tỏa trách nhiệm trong việc bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Các năm trước thường triển khai theo tỉnh nhưng năm nay, các tỉnh triển khai nhưng sẽ tập trung vào thả cá theo vùng sinh thái lớn, tập trung vào hệ sinh thái vùng ĐBSCL để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng vùng đó, chứ không phải chỉ phạm vi một tỉnh. Đồng thời, sẽ tập trung thả các loài bản địa, đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm để có thể phục hồi các loài bản địa, quý hiếm trong vùng đó, bởi hệ sinh thái là chung cho một vùng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cũng đã chỉ đạo các địa phương phát động phong trào thả cá, nâng cao nhận thức, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống ngành thủy sản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hồng – Hồng Thắm

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!