Bảo vệ kịp thời nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ

Chưa có đánh giá về bài viết

Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước, là nơi tập trung phân bố các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao như điệp, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, sò giấy… Nguồn lợi tự nhiên này từ lâu được coi là nguồn thu nhập chính của lao động biển trong tỉnh. Nhưng tình hình đáng báo động xảy ra gần đây là việc khai thác hải sản non đang diễn ra tại một số nơi trong tỉnh làm tận diệt nguồn lợi.

Khai thác loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ

Qua theo dõi diễn biến tình hình khai thác hải đặc sản trong toàn tỉnh, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, nắm tình hình lặn hải đặc sản tại các bãi tập kết dọc bờ biển Tuy Phong, Phan Thiết và La Gi; kết hợp với việc khảo sát và nắm bắt thông tin từ các hộ ngư dân hành nghề lặn hải đặc sản. Tại vùng biển Tuy Phong các tàu hành nghề lặn (có thuyền thúng) đang tập trung khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ khá mạnh. Đối tượng khai thác chủ yếu là điệp bay non hay gọi là điệp Thái Lan (có đường kính khoảng 30 – 35 mm). Số lượng các thuyền khai thác khoảng 70 – 80 chiếc, sản lượng khai thác trung bình 200kg/tàu/ngày. Riêng tại khu vực Phan Thiết, các thuyền hành nghề lặn đang tập trung khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại khu vực bãi biển Tiến Thành đến mũi Kê Gà, số lượng các thuyền khai thác khoảng 10 – 20 chiếc. Qua khảo sát từ các thương lái, sản phẩm sò lông non được vận chuyển ra Khánh Hòa dùng làm thức ăn cho tôm. Tại khu vực La Gi, các thuyền hành nghề lặn đang tập trung khai thác sò lông non có kích thước  từ 18 – 25mm. Sản lượng trung bình trên 1 tàu  từ 3.000 – 6.000 kg/tàu/ngày. 

 Phục hồi  nguồn lợi nhuyễn thể

Một thực tế là nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Năm nay, nhuyễn thể trên vùng biển của tỉnh xuất hiện khá nhiều và đang ở giai đoạn còn non dưới kích cỡ cho phép khai thác, cần được duy trì và bảo vệ. Nếu tình trạng khai thác bừa bãi trên không được ngăn chặn kịp thời, các loài nhuyễn thể sẽ không có khả năng sinh sản, có nguy cơ cạn kiệt. Từ kết quả khảo sát nguồn lợi hải đặc sản trên biển của Chi cục Thủy sản, Sở Nông Nghiệp và PTNT đã chỉ đạo thanh tra Thủy sản tăng cường phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh tổ chức lực lượng phương tiện hợp lý, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm soát tình hình khai thác hải đặc sản trái phép, hải đặc sản non và việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các thuyền khai thác hải sản. Xử lý thật nghiêm minh, áp dụng đúng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.

Về phía Chi cục Thủy sản tiếp tục tăng cường các hoạt động theo dõi, giám sát, nắm bắt diễn biến tình hình khai thác và biến động nguồn lợi hải đặc sản trên vùng biển của tỉnh. Phối hợp tốt với chính quyền các địa phương ven biển, các đoàn thể và các cơ quan có liên quan để triển khai có chất lượng, hiệu quả trong công tác phổ biến, tuyên truyền và nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân. Tuy nhiên, để việc bảo vệ nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ một cách có hiệu quả, rất cần phải có sự quan tâm ủng hộ từ phía ngư dân.

 Thanh Thủy

Theo Báo Bình Thuận


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!