Các chủ tàu đánh cá ĐBSCL bằng nhiều cách, đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước bạn, chịu nhiều tốn kém và hiểm nguy, do một nguyên nhân chính: Vùng biển của nước bạn còn nhiều cá tôm. Trong khi, vùng biển ĐBSCL vốn có nhiều cá tôm vào hạng bậc nhất thế giới vì nguồn phù du khổng lồ của sông Mê Kông hùng vĩ nhưng nay đã cạn kiệt do cách khai thác tận diệt kéo dài nhiều năm qua.
Xin nghe ông Năm Thiên ở thị trấn Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) kể: “Trung bình, mỗi chuyến biển, ngư dân khai thác trên ngư trường Malaysia đạt sản lượng gấp 2 – 3 lần so với ngư trường Cà Mau, khoảng 20 – 30 tấn hải sản”. Ông cho biết thêm, Malaysia quy định, tàu khai thác theo mùa vụ và phải cách đất liền 30 hải lý, cách các đảo 15 hải lý trở lên. Những tàu có phép hoạt động trên vùng biển Malaysia được gắn chíp định vị toàn cầu để cơ quan quản lý theo dõi. Phát hiện vi phạm, có thể dùng trực thăng hoặc tàu cao tốc xử lý trên biển, phạt nặng và tịch thu sản phẩm.
Gần đây, một số địa phương ở nước ta cũng đã chú trọng hơn đến việc bảo vệ nguồn lợi hải sản. Ngày 24/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận thông báo, từ 1/4 đến 31/7, cấm khai thác các loài hải, đặc sản, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc, trên toàn vùng biển Bình Thuận.
Ở tỉnh Bình Định, năm 2014 cũng tiếp tục cấm các hoạt động bẫy bắt tôm hùm con từ tháng 3 đến tháng 9. Năm ngoái, vùng ven biển này đã tháo gỡ hơn 2.700 bẫy tôm hùm con. Riêng giữa tháng 2 mới đây, TP Phan Thiết tháo gỡ 70m bẫy tôm hùm con. Bẫy bắt tôm hùm con xuất hiện dày đặc dọc vùng biển Bình Định mấy năm qua đã làm cho sản lượng tôm hùm ở miền Trung khai thác hàng năm giảm xuống.
Tuy nhiên, những hành động tương đối mạnh mẽ như thế còn ít. Gần đây, ở vùng biển Quảng Ngãi xuất hiện rất nhiều tàu đánh cá bằng lưới giã cào, lưới mùng 3 lớp. Ngư dân Nguyễn Lý ở thôn Tây, xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bức xúc: Từ đầu năm 2014 đến nay, tình trạng đánh bắt hải sản bằng lưới mùng 3 lớp của hàng chục tàu cá đến từ Khánh Hòa đã tận diệt sự sống của các loài hải sản ven bờ. Với loại lưới này, cá tôm nhỏ, những loài thủy sinh như rong, tảo biển cũng bị quét sạch, còn lật tung rạn san hô, hủy hoại môi trường biển.
Việc sử dụng lưới mùng 3 lớp để khai thác hải sản đã bị cấm ở Khánh Hòa nên các chủ tàu ra vùng biển Quảng Ngãi. Điều này cho thấy, quản lý bảo vệ nguồn lợi hải sản đang thiếu thống nhất giữa các địa phương. Còn ở vùng ĐBSCL, công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 15 năm qua, phát hiện xử lý 898 vụ sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, 72.248 vụ đánh bắt bằng xung điện, 138 vụ sử dụng chất độc. Khai thác thủy sản bằng chất nổ đã làm 18 người chết, 25 người bị thương.
Sử dụng chất nổ khai thác thủy sản bị cấm tuyệt đối mà còn như vậy. Tình trạng tận diệt hải sản, liên quan cuộc sống của hàng vạn hộ dân nghèo còn phức tạp hơn. Tuy nhiên, nếu không bảo vệ được nguồn lợi hải sản thì nghề cá khó tồn tại.