THỨ HAI, ngày 31/3/2025

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Nền tảng thủy sản “Xanh”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện bảo tồn, bảo vệ, tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản hướng đến ngành thủy sản xanh và bền vững.

Nguồn lợi thủy sản dồi dào nhưng không phải vô tận

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, diện tích vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Nước ta nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.

Trong số đó, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô… Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.

Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển như: cung cấp nguồn lợi thủy sản phục vụ khai thác thủy sản, tạo nguồn giống cho nuôi trồng thủy sản, làm thực phẩm chức năng, khoa học, giáo dục, bảo vệ đại dương, du lịch, phát triển kinh tế địa phương…

Kết quả điều tra giai đoạn 2010 – 2020 tại nước ta cho thấy, trữ lượng trung bình nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 3,95 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác khoảng 3,66 triệu tấn (năm 2022), vượt quá giới hạn cho phép khai thác. Nguồn lợi đã và đang suy giảm, đặc biệt là nhóm hải sản tầng đáy.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển kinh tế.

“Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương. Nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này đã và đang làm suy giảm hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân trong và xung quanh các khu bảo tồn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương và phát triển bền vững kinh tế biển”, ông Lê Trần Nguyên Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, một trong những nguyên nhân của tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản là do mất cân đối giữa khai thác và khả năng phục hồi của nguồn lợi. Tài nguyên hải sản xa bờ của Việt Nam rất phong phú, trong khi đội tàu nước ta năng lực yếu, chủ yếu khai thác ven bờ, vùng lộng, cường lực khai thác vượt ngưỡng cho phép.

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Một trong số những chủ trương lớn của Nghị quyết 36-NQ/TW chính là nuôi trồng và khai thác hải sản, hay còn gọi là nuôi biển. Theo đó, chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân…

Để thực hiện các chủ trương và mục tiêu Nghị quyết đã nêu, Bộ NN&PTNT đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ; Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành phố ven biển đã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành 4 nhiệm vụ quan trọng: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loại thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, đề án, chương trình xoay quanh 3 trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Một trong những chính sách quan trọng là “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10/3/2023. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi các nghề khai thác xâm hại, nghề khai thác ven bờ sang các sinh kế thay thế, đi cùng với các hoạt động đào tạo, tập huấn cho ngư dân, đưa chủ tàu, ngư dân hoạt động riêng lẻ vào các HTX, chuỗi liên kết để tăng hiệu quả nghề khai thác thủy sản.

Báo cáo của Cục Thủy sản, sau hơn 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, một số mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế, xã hội khác tại các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định,…

Đối với việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, các địa phương đều xác định nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ là những nghề xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái, đã xây dựng tiêu chí đặc thù nhằm hạn chế phát triển, đặc biệt là nghề lưới kéo. Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, tàu cá có tuổi thọ từ 15 năm trở lên…

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, nếu khai thác thủy sản ven bờ không được tổ chức hợp lý thì nguồn lợi thủy sản vẫn suy giảm.

“Việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển là chủ trương lớn. Để chuyển đổi nghề hiệu quả cần có sự tham gia, góp ý của người dân với mục tiêu tạo việc làm, có thu nhập bền vững. Hiện đã có một số mô hình hay, hiệu quả nhưng để nhân rộng, cần có sự chung tay của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng để xây dựng nông thôn mới ven biển trở thành nơi đáng sống”, ông Luân nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, cả nước còn khoảng 83.600 tàu cá. Để đạt được mục tiêu này, lộ trình giảm số lượng tàu cá và chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân theo đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái cần được bảo đảm.

Ngày 19/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Yêu cầu đặt ra là bảo đảm theo hướng tăng quy mô diện tích các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu cư trú nhân tạo cho loài thủy sản biển; kết hợp việc điều chỉnh số lượng tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi thủy sản; giảm cường lực khai thác; kết hợp chuyển đổi nghề, ngư cụ khai thác thuỷ sản ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!