T2, 06/07/2020 10:08

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ: Cần biện pháp mạnh hơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng khai thác quá mức đã và đang khiến nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển ngành thủy sản và nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Vì thế, đòi hỏi về quy hoạch, bảo tồn càng cấp bách hơn.

Khai thác thủy sản quá mức

 Hiện, tổng trữ lượng hải sản của Việt Nam ước khoảng 5,1 triệu tấn (tương ứng với khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1 triệu tấn), nhưng năng lực đánh bắt của cả nước lên đến 2,27 triệu tấn/năm, vượt quá giới hạn khai thác bền vững. Nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu tổn thương: cá nổi nhỏ bị khai thác vượt quá giới hạn 25 – 30%, đã và đang làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, ảnh hưởng đến nguồn lợi cá nổi lớn (thiếu thức ăn); hải sản tầng đáy cũng bị khai thác ở mức độ cao, vượt giới hạn cho phép 30 – 35%.

Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị khai thác quá mức – Ảnh: Huy Hùng

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc khai thác quá mức là sự gia tăng của phương thức khai thác hủy diệt bằng nguồn điện cao áp, xung điện, lưới rê, thuốc nổ… làm ảnh hưởng rất lớn tới các loại thủy sinh nhỏ. Tại Quảng Ninh, từ tháng 1/2011 đến tháng 5/2012 các ngành chức năng đã xử phạt 335 vụ vi phạm; trong đó, 63 vụ sử dụng kích điện, 1 vụ sử dụng chất nổ, 1 vụ khai thác san hô, 3 vụ khai thác thuỷ sản bằng nghề lặn, 267 vụ vi phạm về giấy tờ phương tiện, chứng chỉ và các hành vi khác)…

Bên cạnh đó, số lượng tàu thuyền khai thác vào vùng cấm, vào mùa sinh sản của các loài thủy sản cũng ngày càng tăng, trong khi công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt tàu thuyền khai thác trái phép còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe…

 

Cần giải pháp đồng bộ

Theo Tổng cục Thủy sản, các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay chủ yếu nhằm vào việc quản lý và kiểm soát cường lực đánh bắt; thiết lập các khu bảo tồn; phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đối với những vùng có nguy cơ cạn kiệt, sẽ quy định tạm ngừng khai thác. Khu vực cấm khai thác được xác định thông qua nghiên cứu phân bố của trứng cá và cá non trong vùng biển nghiên cứu, có thể là vùng sinh sản hoặc vùng ươm nuôi hải sản.

Đồng thời, việc ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản trái phép cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong quản lý vật liệu nổ, chất nổ công nghiệp; làm tốt công tác truyên truyền trong nhân dân và tăng cường tuần tra, kiểm soát; có chính sách hỗ trợ để các hộ ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả gây xâm hại khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác hiệu quả hơn.

Cơ quan chức năng tăng cường các hình thức và mức phạt đối với loại hình đánh bắt này, kèm theo các hình thức phạt bổ sung như tịch thu ngư lưới cụ, phương tiện vi phạm… Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực, phương tiện, tài chính để thực hiện công tác dự báo ngư trường và các thông tin nghề cá; tăng cường và mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về khai thác thủy sản để trao đổi thông tin về khoa học, công nghệ và thị trường…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Giai đoạn 2013 – 2015, Chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cần tập trung vào những nội dung mang tính cấp thiết hiện nay (điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, ngăn chặn suy giảm nguồn lợi…), kết hợp với những giải pháp mạnh để tạo sự chuyển biến tích cực.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!