Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Chưa có đánh giá về bài viết

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được xem như “kho vàng” về nguồn thủy sản phong phú của tỉnh Thừa Thiên – Huế, và đã được quy hoạch trong hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 theo Quyết định 1479/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm bảo vệ hệ sinh thái đầm phá ven biển tiêu biểu của Việt Nam, Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập các khu bảo vệ thủy sản, từng bước tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ở khu vực này.

Khai thác cạn kiệt

Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế) có diện tích khoảng 23 nghìn ha với nguồn động, thực vật được đánh giá là phong phú và lớn nhất ở khu vực Ðông – Nam Á, với 230 loài cá, tôm (trong đó có 30 loại tôm, cá có giá trị kinh tế), chiếm 1/3 sản lượng khai thác hằng năm của địa phương. Ở đây còn có 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật…

Nguồn thủy sản phong phú, song, đang có dấu hiệu sụt giảm khi người dân đang ngày đêm khai thác một cách cạn kiệt và hủy diệt. Nhiều ngư dân đã lấn chiếm nò sáo, nguy hiểm hơn, trên phá Tam Giang – Cầu Hai, nhiều năm nay đang xuất hiện nghề đặt lừ dày đặc. Với mắt lưới nhỏ, chỉ sau một đêm giăng lừ dưới đáy phá, từ cá lớn đến cá bé đều không thoát.

Vì vậy sản lượng khai thác nguồn thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ngày càng giảm. Ông Nguyễn Thanh, ở xã Vinh Phú (huyện Phú Vang) tâm sự: "Chừng chục năm trước, chúng tôi cứ thả lưới trên phá cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Còn bây giờ, cứ cái kiểu thả lừ như thế thì thủy sản sẽ không còn để sinh sôi cho nên nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao gần như đã bị hủy diệt, dẫn đến việc đánh bắt bữa có, bữa không".

 

Thả cá dìa tại khu bảo vệ thủy sản.

 

Tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép cũng làm cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có khoảng 1.500 gia đình đang ngày ngày sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép. Từ nhiều năm qua, tình trạng ngang nhiên dùng xung điện, giã cào đánh bắt thủy sản từ vùng trũng đến khu vực đầm phá Tam Giang diễn ra khá phổ biến. Ðối tượng này không dễ truy đuổi khi họ sử dụng thuyền có gắn máy đuôi tôm để nhanh chóng tẩu thoát, thậm chí chống trả quyết liệt lực lượng bảo vệ, công an. Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng (Phú Lộc) Văn Công Trí cho biết: "Trước đây, xã Vinh Hưng có khoảng 300 hộ tham gia đánh bắt thủy sản trái phép trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền, phổ biến về tác hại và vận động những hộ gia đình tham gia đánh bắt thủy sản trái phép bỏ nghề, địa phương sẽ tạo điều kiện để vay vốn chuyển đổi hướng làm ăn mới. Nếu hộ nào còn tham gia sẽ có chế tài xử phạt nặng. Tuy nhiên, do đời sống của bà con ngư dân còn gặp nhiều khó khăn cho nên có hộ vẫn đánh bắt thủy sản trái phép vào lúc đêm khuya".

 

Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt đến mức báo động, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định thành lập sáu khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt hơn 186 ha, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ðó là các khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm, xã Vinh Phú (Phú Vang); Cồn Cát, xã Ðiền Hải (Phong Ðiền); Doi Chỏi, xã Phú Diên (Phú Vang); Ðập Tây – Chùa Ma, xã Vinh Giang (Phú Lộc); Vũng Mệ, xã Quảng Lợi (Quảng Ðiền); Núi Quện, xã Lộc Bình (Phú Lộc). Chủ trương thành lập các khu bảo vệ thủy sản có quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng của tỉnh Thừa Thiên – Huế, trực tiếp là các chi hội nghề cá tại địa phương quản lý đã phát huy hiệu quả.

Theo Chi cục khai thác và bảo vệ thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, tại các khu khoanh vùng bảo vệ này, đến nay đã trồng 5.000 cây tra; thả 12.400 con tôm sú giống, 14.860 con cá dìa giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả 50 rạn nhân tạo bằng chất liệu cứng, tạo sinh cảnh, nơi cư trú của các loài thủy sinh vật; giải tỏa nhiều trộ chuôm, trộ nò sáo, trộ rớ, cũng như di dời các trộ chuôm của ngư dân ra khỏi vùng bảo vệ. Các ao hồ nuôi tôm trong các khu vực bảo vệ dù chưa được hỗ trợ từ Nhà nước nhưng người dân đã ngừng sản xuất để tạo điều kiện triển khai các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc sắp xếp nò sáo, giảm một nửa mật độ khai thác nghề nò sáo (cường lực khai thác lớn nhất từ trước đến nay) trên vùng đầm phá đã được các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả. Hơn ba năm qua, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 16,8 tỷ đồng và gần 800 tấn gạo hỗ trợ ngư dân tại các địa phương, đến nay, cơ bản đã hoàn tất việc sắp xếp; 590 trộ nò sáo được giải tỏa, 411 trộ nò sáo khác được sắp xếp lại, từ đó khu vực đầm phá thông thoáng hơn, môi trường được cải thiện, nguồn lợi thủy sản dần được phục hồi.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Lương Hiền cho biết: Ở các xã triển khai khu bảo vệ thủy sản đã đưa vào hương ước của làng, như việc cấm bắt cá trong chuôm cá, không được đánh bắt cá con, không dùng xung điện đánh bắt cá, thời điểm nào được phép đánh bắt, lưới kích cỡ thế nào để không gây hại đến nguồn thủy sản tương lai. Các hoạt động khai thác động vật và thực vật thủy sinh bị cấm hoàn toàn, tạo điều kiện cho thực vật thủy sinh phát triển tốt, vừa làm nơi trú ẩn an toàn vừa tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá và cải thiện môi trường nước, hình thành các bãi giống, bãi đẻ ổn định trong tự nhiên. Tại các khu bảo vệ, các loài tôm, cá, cua có môi trường thuận lợi sinh sản, sinh trưởng an toàn… sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá chung quanh, ngư dân được phép khai thác. Các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản cũng cho rằng, mô hình xây chuôm cá là những điểm dẫn dụ, duy trì cá tự nhiên đến trú ẩn, sinh sôi tạo môi trường thủy sản phong phú đã mang lại hiệu quả, bởi chi phí không cao, vừa khôi phục nguồn cá tự nhiên vừa thu lợi kinh tế dài lâu. Các nhà khoa học ở Trường đại học Nông lâm Huế đã phối hợp nông dân các xã Vinh Hưng, Lộc Bình (huyện Phú Lộc); Phú Thanh (huyện Phú Vang) xây dựng các trộ chuôm – "ngôi nhà cộng đồng", bảo vệ nuôi trồng thủy sản bền vững; trong đó chọn đầm Nậy ở thôn Hải Trình, Phú Thanh làm năm trộ chuôm dẫn dụ cá tự nhiên về sống. Chỉ trong vòng năm tháng, sản lượng cá thu hoạch đạt ba đến bốn tạ/chuôm. Cá quần tụ nhiều kéo theo các loài cộng sinh khác xuất hiện. Ước tính, sản lượng khai thác các loại tôm, cá tại các xã có khu bảo vệ thủy sản và các xã lân cận của ngư dân trong năm 2011 đạt giá trị hơn năm tỷ đồng.

Chi cục trưởng Khai thác và bảo vệ thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình đánh giá: Trong bối cảnh nguồn lực quản lý nhà nước còn hạn chế về ngân sách và con người thì việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sinh là cách làm cần thiết. Khi được giao quyền quản lý khu bảo vệ thủy sản ở địa phương, tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt đã hạn chế; người dân có ý thức trong việc khai thác, bảo vệ môi trường hợp lý… dẫn đến chất lượng cá, tôm ở khu vực ngày càng sinh sôi, phong phú. Ở các khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá, trữ lượng rong mái chèo, rong cỏ phát triển gấp đôi so với trước đây.

Trong mùa thu hoạch năm 2011, rạm kéo dài hơn một tháng; lươn được khai thác đạt sản lượng gấp 10 lần so với năm 2010. Nổi bật tại khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát, xã Ðiền Hải (Phong Ðiền), sản lượng khai thác cá dìa (phổ biến tại đầm phá Tam Giang – Cầu Hai) đạt hơn ba tấn. Nhiều ngư dân ở đây rất phấn khởi, bởi theo họ đây là lần đầu nghề nò sáo khai thác đạt sản lượng cá dìa cao như vậy. Tại khu bảo vệ thủy sản Doi Chỏi, xã Phú Diên (Phú Vang), rau câu, rong lá vã, cỏ hẹ đang phát triển trở lại; lượng tôm đất khai thác tăng gấp 1,2 lần so với trước đây; nguồn lợi cá dìa vào vụ khai thác (từ tháng 7 đến tháng 9) tăng gấp năm lần so với năm 2010. Chi hội trưởng nghề cá Giang Xuân, xã Vinh Giang (Phú Lộc) Nguyễn Khoai cho biết: "Từ khi hình thành khu bảo vệ thủy sản Ðập Tây – Chùa Ma, Chi hội được giao quyền bảo vệ và khai thác một nghìn ha mặt nước. Lượng rong tảo ở trên đầm phá ngày càng phát triển nhanh, dày hơn. Ngoài rong tảo, nguồn lợi cá tôm như cá mú, cá hồng lớn, bé xuất hiện trong khu vực được phép khai thác nhiều hơn. Nhất là từ tháng 7 đến tháng 9, lượng cá khai thác tăng gấp hàng chục lần so với những năm trước, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân trong vùng".

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích khá rộng với hàng chục nghìn ha, nhưng đến nay chỉ có sáu khu bảo vệ thủy sản với diện tích chưa đầy 200 ha là một con số còn hạn chế. Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết: Ðến năm 2015, ít nhất sẽ khoanh vùng hình thành tám khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá với diện tích hơn 217 ha, bằng khoảng 1% diện tích vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; xây dựng, củng cố các chi hội nghề cá cơ sở ở các huyện, thị xã và các xã trong khu vực để phối hợp quản lý và tuyên truyền nâng cao ý thức về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến tất cả bà con ngư dân.

Nguyễn Công Hậu

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!