(Thủy sản Việt Nam) – Tháng cuối năm 2010, xuất khẩu thủy sản liên tiếp đưa ra những thông tin phấn khởi. Năm 2010, tổng kim ngạch đã đạt 4,94 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,08 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Còn cá tra năm 2010 xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2009. Vượt lên những con số để dấu ấn của một năm, ngành thủy sản đã chứng tỏ nỗ lực bảo vệ sản phẩm chiến lược.
Xoay chiều tuột dốc
Bước vào năm 2010, ngành thủy sản có nhiều lo âu. Mới tổng kết năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 6,2% so với năm 2008. Lúc đó, Bộ NN&PTNT dè dặt nêu mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2009. Thế nhưng có một số dự báo thị trường vẫn hoài nghi, cho là khó đạt được.
Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ Ảnh: Duy Khương
Sự hoài nghi không phải không có lý. Thị trường thủy sản thế giới vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi nền kinh tế toàn cầu còn trong tình trạng khủng hoảng. Tiêu dùng suy giảm, xu hướng tiết kiệm diễn ra phổ biến… là những trở ngại lớn cho quá trình hồi phục thương mại thủy sản toàn cầu. Một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ, EU, kinh tế dự báo đều ít sáng sủa.
Thế nhưng, mới 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,55 tỷ USD và cả năm 2010 đạt 4,94 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu tôm, mục tiêu đặt ra đầu năm chỉ dám nêu 1,4 tỷ USD, kết thúc cả năm có khả năng đạt 1,8-2 tỷ USD. Còn cá tra đầu năm “cố gắng phấn đấu” bằng năm 2009, ở mức 1,34 tỷ USD, cuối năm cũng mở ra khả năng 1,5 tỷ USD.
Theo VASEP, mặt hàng tôm chiếm khoảng trên 40% tổng giá trị xuất khẩu và là mặt hàng đứng đầu nhóm thủy sản. Thị trường tiêu thụ tôm đã vươn tới 90 nước, trong đó 3 thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, EU chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm và năm qua đều tăng.
Trong 11 tháng, Nhật Bản nhập từ Việt Nam 55,6 nghìn tấn tôm, trị giá 504 triệu USD, tăng 12,8% về khối lượng và 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, mức tăng giá trị xuất khẩu tôm cao gấp rưỡi mức tăng sản lượng, với những thay đổi tích cực: tôm cỡ lớn và tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng cao. Cùng thời gian, Mỹ nhập 459,5 triệu USD tôm Việt Nam, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Thị trường EU nhập 275,6 triệu USD tôm Việt Nam, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Cá tra vẫn giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Và ngược với chiều hướng “treo ao” trước đó, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2010, các tỉnh ĐBSCL đã đưa 8.600ha mặt nước vào nuôi cá tra, tăng 2.440ha so với năm 2008. Tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ.
Bảo vệ sản phẩm chiến lược
Đạt sự tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung, năm qua ngành thủy sản nước ta đã chứng tỏ khả năng xử lý sự cố thị trường để bảo vệ sản phẩm chiến lược theo hướng chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Thu hoạch tôm sú ở Bạc Liêu Ảnh: Đức Giang
Chiều ngày 15/12, sau hai ngày làm việc tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Gevena, Thụy Sĩ, phiên xét xử lần thứ hai vụ Việt Nam kiện Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu đã kết thúc phần tranh tụng. Từ khi gia nhập WTO, tháng 1/2007 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại, sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Không còn bị động đối phó nữa, chúng ta đã chủ động trong bảo vệ sản phẩm chiến lược.
Nhưng việc bảo vệ sản phẩm thủy sản nổi bật nhất ở năm 2010 là nỗ lực bảo vệ thị trường cá tra. Ngày 19/11, sáu thành viên WWF ở châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ của WWF, khuyến cáo không nên sử dụng. Dư luận nước ta phản đối. Ngày 15/12, đại diện WWF đến Việt Nam thảo luận với đại diện nước ta và đồng ý đưa cá tra ra khỏi “danh sách đỏ”. Ngày 16 và 17/12, hai bên tiếp tục làm việc đi đến ký một bản ghi nhớ, trong đó có điều khoản đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu 50% diện tích nuôi cá tra được cấp chứng nhận ASC (một đối tác của WWF).
Để bảo vệ hiệu quả sản phẩm chiến lược một cách bài bản, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác cho rằng, cần phải có ban chỉ đạo sản phẩm chiến lược. Đây là cơ quan do các nhà kinh doanh và nhà khoa học làm nòng cốt. Từ đó đề ra chiến lược hành động được cụ thể hóa bằng mục tiêu, chính sách, lộ trình thực hiện và xử lý sự cố. Sản phẩm thủy sản chiến lược nước ta, theo Phó chủ tịch Trác, đã xác định: Tôm sú, cá tra, nhuyễn thể và đang bàn về cá rô phi đơn tính. Sản phẩm chiến lược của nước ta bị công kích trên thị trường nước ngoài là điều không thể tránh, vấn đề là bảo vệ phải chủ động, khoa học, có mục tiêu rõ ràng. Đó cũng là những thách thức của ngành thủy sản trong năm mới đang mở ra.
Sáu Nghệ