T2, 06/07/2020 10:38

Bảo vệ tài nguyên biển: vẫn khó!

Chưa có đánh giá về bài viết

Tháp tùng cùng lực lượng kiểm ngư thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Gò Công chúng tôi mới thấy hết những khó khăn trong công tác bảo vệ tài nguyên biển.

 

Lực lượng thanh tra họp bàn kế hoạch kiểm tra ngư dân đánh bắt cá bằng xung điện. 

Thời gian qua, lực lượng hành nghề “cào bay” ở một số tỉnh khác đến tỉnh Tiền Giang hoạt động tận thu nguồn thủy sản biển. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm ngư đã xử phạt nhiều tàu khai thác thủy sản sai tuyến, sử dụng lưới mắc nhỏ, không có chứng chỉ thuyền trưởng, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Thuyền trưởng tàu kiểm ngư Nguyễn Thanh Sơn nói: “Vẫn biết bà con vì cuộc sống mưu sinh nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Chúng tôi chẳng muốn xử phạt, tịch thu cái gì của bà con, nhưng nếu hôm nay không làm nghiêm để bà con khai thác thủy sản đến mức tận diệt, con cháu đời sau còn đâu nguồn lợi mà sống, mà làm giàu từ biển”. Các tàu “cào bay” thường lợi dụng ban đêm, sáng sớm hay chiều tối đưa tàu vào vùng nghiêm cấm khai thác để đánh bắt, gây nguy hại nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Điều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát ngư trường hiện nay là lực lượng kiểm ngư mỏng, thiếu phương tiện và kinh phí hoạt động. Chế tài xử phạt khi phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác thủy sản trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Theo lực lượng kiểm ngư, dân “cào bay” tìm đủ cách trốn tránh lực lượng tuần tra. Nếu bị phát hiện họ sẽ thông báo cho nhau qua điện thoại để đối phó, chẳng hạn như: đưa tàu ra khỏi khu vực cấm hay cho bộ kích điện vào túi ni lông ném xuống biển phi tang… Điều đáng báo động là ngoài những ghe, tàu có sử dụng kích điện để đánh bắt ven bờ, lực lượng kiểm ngư còn phát hiện nhiều tàu cá công suất từ 40-100CV trang bị bộ kích điện để khai thác thủy sản. Với hình thức khai thác hủy diệt này, các loài thủy sản không còn khả năng sống sót, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trong khu vực.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 1.379 tàu (khoảng 295.689CV), với các nghề chủ yếu là lưới vây, lưới kéo, câu mực; trong đó trên 500 tàu công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều ghe cào có sử dụng xung điện đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt ở các huyện phía Tây. Trong khi lực lượng kiểm ngư tỉnh chỉ có 1 tàu và 1 ca nô, nên không thể kiểm soát hết các phương tiện khai thác trên vùng biển rộng lớn. Vẫn biết hiện tại, cuộc mưu sinh của bà con ngư dân còn nhiều khó khăn, nhưng nếu khai thác kiểu hủy diệt nguồn lợi thủy sản thì tác hại trong tương lai rất lớn. Công tác Bảo vệ tài nguyên biển cần giải bài toán kế sinh nhai bền vững cho bà con ngư dân. Khi cuộc sống ổn định, bà con sẽ ý thức hơn trong việc khai thác và gìn giữ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, để công tác thanh tra, kiểm tra trên sông, trên biển mang lại hiệu quả cao, các ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục các chủ phương tiện hiểu về pháp luật, quy định vùng được phép đánh bắt và khai thác thủy sản, tổ chức thanh tra phải lớn mạnh, hoạt động độc lập về kinh phí cũng như tổ chức, phương tiện hiện đại.

Khải Ca

Báo điện tử Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!