Vọp là động vật thân mềm hai mảnh vỏ được nhiều người ưa chuộng và có giá trị tế không thua kém gì các loại khác như: nghêu, sò,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc khai thác vọp quá mức, khai thác rừng ngập mặn (nơi phân bố tự nhiên của vọp) để nuôi các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế như tôm, cua,… từ đó làm cho nguồn lợi vọp bị cạn kiệt và không còn khả năng phục hồi.
Vì vậy, để bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III-Nha Trang (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp Geloina coaxans (Gmelin, 1791) ở Bến Tre vừa được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã điều tra, khảo sát và chọn 25 điểm thuộc 3 huyện ven biển của Bến Tre gồm Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Để phục hồi nguồn lợi vọp, nhóm tác giả đã thử nghiệm thả nuôi vọp trong ao đất và trong rừng ngập mặn. Theo đó, đã xây dựng được 2 mô hình ương và nuôi thương phẩm vọp ở xã Thạnh Hải cho 4 hộ dân tham gia với số lượng vọp giống thả là 36.000 con. Tỷ lệ sống trung bình của vọp trong ao đất là 55,5%, trong rừng ngập mặn là 82,7%. Sau 12 tháng nuôi, kích thước vọp đạt 18 – 20 con/kg. Tổng sản lượng vọp thu được là 1.392 kg (trong ao 606 kg và rừng ngặp mặn là 786 kg).
Qua nghiên cứu cho thấy, sản lượng khai thác vọp hàng năm ở Bến Tre là 6,3 tấn, tuy nhiên, vọp là loài bổ sung nguồn lợi chậm, để bảo đảm tính bền vững thì sản lượng khai thác cho phép là 50% của trữ lượng hiện tại. Với sản lượng khai thác vọp hiện nay, vượt khoảng 1,3 tấn/năm. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi vọp như: Khai thác hợp lý, không khai thác vọp ở kích thước nhỏ hơn 30mm, không khai thác vọp vào mùa sinh sản (từ tháng 2-5 và tháng 8-10), nghiên cứu sản xuất giống và các biện pháp kỹ thuật nuôi thương phẩm để đưa vọp thành đối tượng nuôi nhằm giảm áp lực khai thác và khôi phục lại nguồn lợi vọp; Có giải pháp quy hoạch và quản lý hợp lý;…
Hội đồng cho rằng đề tài đạt mục tiêu, nội dung đề ra, đáp ứng được nhu cầu địa phương, phát triển nghề nuôi mới, tạo sinh kế cho người nghèo. Hội đồng thống nhất nghiệm thu và xếp loại khá cho đề tài. Qua đó, hội đồng đề nghị chỉnh sửa, bổ sung số liệu, các bảng biểu và các phương pháp cũng cần mô tả chi tiết hơn.