THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 09:59

Bấp bênh giá cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi chạm mốc 27.000 – 28.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thành ĐBSCL quay đầu sụt giảm liên tục khiến người nuôi lo lắng. Hiện tại, giá cá chỉ còn 22.000 – 23.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Với giá này người nuôi chịu lỗ từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, kéo theo hàng loạt ao hầm bỏ phế.

Người nuôi lỗ nặng

Những ngày này người nuôi cá tra ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… mất ăn mất ngủ bởi giá cá xuống thấp. Ông Nguyễn Khắc Phục, ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), thở dài: “Hơn 2 tháng trước giá cá 27.000- 28.000 đồng/kg khiến ai cũng mừng. Cứ ngỡ giá này tiếp tục duy trì, nào ngờ gần đây sụt giảm liên tục xuống dưới mức giá thành, đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh khốn đốn”. Hầm cá 500 tấn của ông Phục đã gần tới ngày thu hoạch, nếu bán lúc này cầm chắc lỗ 1.500 đồng/kg. Hiện tại ông Phục chữa cháy bằng cách… bỏ đói cá, giảm số lần cho cá ăn nhằm làm cá chậm lớn để kéo dài thời gian nuôi, hy vọng giá nhích lên trong những ngày tới. Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Dũng, một đại gia nuôi cá ở quận Ô Môn (Cần Thơ) than vãn: “Tôi hiện còn hơn 1.000 tấn cá tới lứa nhưng chưa bán do giá quá thấp. Cứ mỗi ngày neo lại phải tốn 170 triệu đồng tiền thức ăn. Bán xong đợt này, gom tiền trả nợ rồi nghỉ luôn không dám đầu tư nuôi lại vì nghề này quá rủi ro”.

Giá cá tra giảm khiến người nuôi lỗ nặng. Ảnh: H. Lợi

Ở vùng nuôi cá huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), nhiều nông dân cũng đang trải qua “cơn ác mộng” vì cá. Ông Trương Minh Trí có nhiều năm nuôi cá tra chua chát nói: “Năm 2011, tui bị Công ty An Khang ở Khu công nghiệp Trà Nóc giựt nợ gần 1 tỷ đồng tiền cá, đẩy gia đình vào cảnh trắng tay. Năm nay nhờ có đại lý đầu tư thức ăn, nhưng tôi chỉ dám thả 4.000m2 mặt nước (giảm 50% diện tích). Hiện cá sắp tới kỳ thu hoạch nhưng giá thấp thế này coi như lỗ chắc. Cả nhà đang lo không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho đại lý”.  Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đều lo lắng, nếu tình hình này kéo dài sẽ có hàng loạt hộ nuôi cá phá sản và số ao hầm bỏ phế sẽ tiếp tục tăng.

 

Hệ lụy dây chuyền

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thị trường xuất khẩu cá tra trên thế giới vẫn ổn định, trong đó giá xuất cá tra phi-lê sang châu Âu giữ mức từ 2,9- 3 USD/kg. Với giá này, các doanh nghiệp phải mua cá nguyên liệu từ 25.000- 26.000 đồng/kg mới hợp lý. Nguyên nhân gần đây giá cá giảm mạnh là do tâm lý người nuôi hoang mang khi thấy một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cá, nên nhiều hộ ùn ùn giảm giá bán cá xuống mức thấp để hy vọng lấy được tiền mặt ngay, không chịu bán thiếu như trước. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng, bởi các ngân hàng hạn chế cho vay. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho rằng: “Hiện nay người nuôi cá rất lo ngại bán cá cho doanh nghiệp vì không biết có lấy tiền được hay không, sớm hay muộn. Trước đây, chuyện dân bán chịu cá cho doanh nghiệp khoảng 30 ngày mới lấy tiền là bình thường. Nay khi mua bán cá đều yêu cầu trả tiền mặt”.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, sau hội chợ thủy sản quốc tế 2012, tình hình tiêu thụ cá tra không tốt lắm. Một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, tự ý hạ thấp giá chào bán. Mặt khác, do các ngân hàng thắt chặt tín dụng nên doanh nghiệp phải bán giá thấp để có tiền trả nợ ngân hàng, trả tiền mặt cho dân khi mua cá… Tuy nhiên, không loại trừ một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để ép giá nông dân, chứ nguồn cá nguyên liệu hiện nay không còn nhiều.

Giá cá bất ổn đã kéo theo nhiều hệ lụy khi người nuôi tiếp tục thua lỗ, các doanh nghiệp cũng khốn đốn vì làm ăn không hiệu quả, chịu lãi suất cao và thiếu vốn hoạt động. Trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến thức ăn đang “hấp hối” vì tình trạng đại lý, người nuôi… nợ thức ăn kéo dài không thanh toán. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc Nhà máy chế biến thức ăn Ngư Long, ở KCN Sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), thừa nhận rất nhiều khách hàng mua thức ăn nhưng chậm trả tiền khiến nhà máy vướng nợ trên 400 tỷ đồng. Riêng năm rồi, nhà máy cung ứng thức ăn, cá nguyên liệu… cho một doanh nghiệp thủy sản ở Cần Thơ với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, không tiền trả nợ nên họ đưa 40ha đất nuôi cá tra để cấn trừ. Ôm đất nuôi cá tra hiện nay kêu bán với giá rẻ, chấp nhận lỗ… nhưng không ai mua; trong khi muốn nuôi cá trong 40ha cần vốn đầu tư 200 tỷ đồng trở lên. Đây là số tiền lớn, rất khó vay trong thời buổi hiện nay.

Nếu như trước đây đất nuôi cá tra dọc theo sông Tiền, sông Hậu có giá từ 2 – 3 tỷ đồng/ha, nay kêu bán chỉ 1 tỷ đồng/ha, thậm chí thấp hơn… cũng không ai thèm ngó. Theo ông Võ Văn Đệ, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), đất nuôi cá bây giờ rớt giá thảm hại mà chẳng ai mua bởi người nào cũng uễ oải vì cá tra. Khu vực này vài năm trước 100% ao hầm đều nuôi cá tra, nay chỉ còn 10% – 20% nuôi cá, số ao hầm còn lại bỏ hoang phế vì không tiền đầu tư, thậm chí có hộ giao luôn đất nuôi cá tra để cấn trừ nợ nhưng chủ nợ cũng không dám nhận.

B.Đại – A.Bình

Theo SGGP

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!