(TSVN) – Mặc dù được đánh giá là một trong những chủ lực của ngành tôm Việt Nam, thế nhưng, nghề nuôi tôm hùm trong nước chưa bao giờ là dễ dàng. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả khó đoán, còn nguồn giống lại thiếu tự chủ trầm trọng.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi và sản lượng nuôi trên cả nước.
Tại tỉnh Phú Yên, nuôi tôm hùm chiếm 56% giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh, sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, tôm hùm là đối tượng trọng điểm, tập trung tại 4 khu vực chính: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thả nuôi 77.445 lồng, sản lượng dự kiến 2.650 tấn.
Thu hoạch tôm càng xanh tại phường Cam Thuận, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ST
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tại khu vực Nam Trung Bộ, tôm hùm đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, hiện 90% tôm hùm nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, một sự phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp dần khi Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ngoài.
Để đảm bảo thuận lợi trong tương lai, việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết. Muốn vậy, việc cấp thiết là tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc. Đây là bước đi quan trọng và phù hợp nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm thương phẩm; đảm bảo thành công kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030.
Thả nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo
Quyết tâm là vậy, nhưng thực hiện điều này rất khó, bởi hiện nay, có đến hơn 80% tôm hùm giống trong nước phụ thuộc nhập khẩu, mà theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, việc nhập khẩu cũng lắt léo qua các đường tiểu ngạch. Trong khi đó, “Nếu Việt Nam không có chứng nhận xuất xứ về con giống thì đừng nói đến chuyện xuất khẩu bài bản”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện nay nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ các nước về Việt Nam bị gián đoạn vì tôm hùm giống do một số công ty nhập khẩu về trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị phát hiện nhiễm virus gây bệnh. Cụ thể, từ ngày 21 – 30/6, đã có 5 lô hàng của 3 công ty nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng.
Tôm hùm giống. Ảnh: ST
Nhằm ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống, ngày 11/9/2023, Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản số 6361/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp quyết liệt.
Bộ NN&PTNT cho biết, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các sân bay quốc tế (Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất) và qua một số địa phương có chung biên giới với Campuchia. Tôm hùm giống vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng và bệnh sữa, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm Việt Nam.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng tôm hùm giống vận chuyển bất hợp pháp thì phải xử lý ngay theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép tôm hùm giống.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường công các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào Việt nam, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.
>> 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm cả nước đạt gần 130 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2022. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm đạt 200 triệu USD/năm, tuy nhiên sẽ không tăng nóng diện tích nuôi tôm hùm và duy trì sản lượng 3.000 tấn/năm.
Bảo Hân