T2, 06/07/2020 11:16

Bất an thủy sản Trung Quốc “ngập” chợ Hà Nội

Chưa có đánh giá về bài viết

Vấn đề một số mặt hàng thủy sản như cá, baba, ếch… được nhập lậu từ Trung Quốc đưa về các chợ tại Hà Nội tiêu thụ thời gian qua luôn gây nhức nhối dư luận xã hội. Bởi, vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn khiến ngành nuôi trồng thủy sản địa phương gặp khó.

Hoang mang thủy sản lậu

Lời đồn về thủy sản lậu Trung Quốc ngập chợ đầu mối Yên Sở, Long Biên (Hà Nội) đã được xác minh là sự thật, khi thời gian qua, Công an Hà Nội liên tiếp bắt giữ nhiều xe hàng cá trắm giòn, cá quả, ếch… nhập lậu từ Trung Quốc, vận chuyển vào Thủ đô.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, một xe vận chuyển cá chình, ba ba đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng bắt giữ trong quá trình đưa về Hà Nội tiêu thụ. Theo lời khai của chủ hàng, cả nghìn kg thủy sản này được nhập từ Trung Quốc, qua Móng Cái (Quảng Ninh) đưa thẳng về các chợ đầu mối của Hà Nội như Long Biên, Yên Sở…

Nếu trước đây chỉ những loại thủy sản cao cấp như cá tầm mới bị nhập lậu từ Trung Quốc để “đánh tráo” thương hiệu nhằm thu lợi nhuận bất chính, thì hiện nay, đến các loại bình dân như ếch, cá trắm, cá quả… cũng được dân buôn lén lút thu gom từ Trung Quốc, đem về “gắn mác” Việt Nam để bán giá cao hơn, kiếm lợi nhuận khủng.

Đáng chú ý, gần đây người tiêu dùng thủ đô thực sự lo ngại khi thông tin về loại cá quả (cá chuối) được nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó tiêm thuốc mê để cá không chết, rồi chuyển về các chợ đầu mối như Yên Sở, Long Biên để tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, dù đến giờ vẫn chưa xác định được loại thuốc mê tiêm vào những con cá này là loại gì, mức độ độc hại đến đâu, tuy nhiên nhiều người nghe đến chuyện cá Trung Quốc, lại được tiêm thuốc thì cảm thấy bất an. Nhiều bà nội trợ chấp nhận từ bỏ loài cá này trong các bữa ăn gia đình, thay vì “mua lo” vào người. Điều này vô hình chung đã khiến người nuôi cá quả trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Người tiêu dùng lo lắng chất lượng hàng thủy, hải sản tại chợ – Ảnh: Đức Lợi

Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (Công an TP Hà Nội), càng thời điểm gần cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thủy hải sản nhập lậu (đặc biệt là cá tầm, cá trắm) lại “vào mùa” với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi bằng cách hợp thức hóa giấy tờ “hợp lệ” của các trang trại nuôi trong nước để tránh bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Thống kê của Chi cục thủy sản Hà Nội cho thấy, 9 tháng đầu năm, lượng thủy sản Trung Quốc vào chợ cá Yên Sở khoảng trên 250 tấn. Qua kiểm tra, nhiều lô hàng vào chợ có xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn nhiều lô hàng lần đầu vào chợ chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Điều lo lắng nhất là khi thủy sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt thì chất lượng khó bề quản lý nên cả nông dân lẫn người tiêu dùng đều thiệt hại.

 

Biện pháp quản lý

Hiện nay, thủy sản được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam bao gồm cả nhập chính ngạch và nhập lậu. Theo quy định, với những lô hàng thủy sản nhập khẩu chính ngạch, nhà nhập khẩu phải khai báo và cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra xem có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên với những lô hàng nhập lậu thì việc kiểm tra, kiểm soát là không thể. Do vậy, chất lượng thủy sản nhập lậu luôn là một ẩn số đầy đe dọa đối với người tiêu dùng.

Thực tế, ngay sau khi thông tin về cá quả Trung Quốc tiêm thuốc mê tuồn về Hà Nội, một số nhà khoa học, chuyên gia đã lên tiếng về. Hầu hết đều cho rằng đây là một trong những biện pháp cho cá “ngủ đông” để vận chuyển thuận lợi hơn và đó là phương pháp hoàn toàn bình thường trong vận chuyển thủy sản. Tuy nhiên, việc xác định loại thuốc mê được tiêm vào cá này là gì thì đến nay vẫn chưa có công bố chính thức và người tiêu dùng vẫn thực sự bất an.

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội thừa nhận, hiện nay, nhiều loại thủy sản, sản phẩm thủy sản chưa rõ nguồn gốc như cá tầm, cá quả, ếch… được bày bán công khai tại chợ đầu mối khiến người tiêu dùng hoang mang. Đơn cử, tại chợ cá Yên Sở, trung bình mỗi ngày, lượng thủy sản bán ra khoảng 50 – 60 tấn, chủ yếu là cá chép, mè, trắm, rô phi…, ngoài sản phẩm nội địa còn có cả thủy sản xuất xứ từ Trung Quốc chưa được kiểm soát chất lượng.

Thực tế, mặc dù cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và công bố nhiều lô hàng thủy sản Trung Quốc kém chất lượng, song các vụ vi phạm không ngừng tăng lên. Nguyên nhân là do chuyện kiểm tra, bắt, xử phạt đối với các lô hàng thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc hiện nay vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách như công an, hải quan, chính quyền địa phương…

Bên cạnh đó, hiện nay chế tài xử phạt cho việc buôn lậu cá từ Trung Quốc còn rất thấp nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều chủ hàng sẵn sàng nộp phạt rồi… vi phạm tiếp bởi lợi nhuận từ những lô hàng này đem lại rất lớn nên lượng thủy sản Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam vẫn ngày một tăng.

Để ngăn hạn chế tình trạng nhập lậu hàng thủy sản từ Trung Quốc, trước mắt các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử phạt thật nặng các trường hợp nhập lậu thủy sản để có tính răn đe, nhằm ngăn chặn bớt.

Tuy nhiên, đó mới chỉ biện pháp tình thế, giải quyết phần ngọn. Về lâu dài, cần phải có được các chuỗi sản phẩm sạch tại các chợ để người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm rõ nguồn gốc, vừa bảo vệ sức khỏe chính mình, vừa góp phần tẩy chay, ngăn chặn hàng lậu kém chất lượng hiện nay.

Hoàng Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!