T2, 06/07/2020 10:35

Bắt bệnh tôm “được mùa, mất giá”

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nông dân có câu “vui như được mùa”, nhưng thực tế trong “thế giới phẳng” ngày nay thì được mùa có thể lại là một nỗi lo, khi giá cả theo đó giảm đến chóng mặt. Và trong các báo cáo hay kế hoạch nuôi trồng, chế biến, người ta thường thấy chỉ tiêu sản lượng, diện tích mà rất hiếm thấy chỉ tiêu về giá.

Mỗi người châu Âu chỉ có một dạ dày

Những nghiên cứu khoa học cho thấy, nhu cầu tiêu thụ tôm nói riêng và thực phẩm nói chung của người dân các nước phát triển (vốn là thị trường xuất khẩu chính của các nước đang phát triển) không tăng trưởng nhiều trong hai thập kỷ qua.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam) thì nhu cầu tôm của một người Mỹ trong năm 1990 là 2,3 pound (1 pound = 0,45 kg), năm 2002 là 3,6 pound và đến năm 2008 là 4,08 pound. Như vậy sau gần 20 năm, nhu cầu tiêu thụ tôm của khách hàng người Mỹ chỉ tăng 1,8 lần. Nhu cầu tiêu thụ tôm của người Nhật, năm 1985 là 1,91 kg/người/năm, năm 1990 là 2,73 kg/người/năm, năm 2008 là 4.4047 kg/người/năm. Trong hai thập kỷ, nhu cầu dùng tôm của người Nhật cũng chỉ tăng gấp đôi.

Người quan sát có thể thấy rõ sự sụt giảm về tiêu thụ tôm. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 92 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011. Theo Viện Chính sách và Chiến lược PTNT thì có tới 5/10 thị trường nhập khẩu chính sản phẩm tôm của Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 15,6% giá trị nhập khẩu, EU giảm 24,8%, khối ASEAN giảm 22,2%, Canada giảm 14,1%, Thụy Sĩ giảm 10,5%.

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu phát biểu tại một hội thảo khoa học gần đây thì, “nguồn cung tôm Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung tăng mạnh trong những năm qua, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tôm của các nước phát triển không tăng nhiều”.

 

Sản lượng hay lợi ích?

Một con số cho thấy, nhu cầu tôm của châu Âu từ năm 1988 đến 2008, nhập từ 200.000 tấn lên đến 600.000 tấn, tăng xấp xỉ 3 lần. Ngoài nhu cầu tiêu dùng tăng, theo các nhà nghiên cứu thì sở dĩ có số tăng đột biến “là do Liên minh châu Âu mở rộng, dẫn đến dân số gia tăng đột biến của khối này”. Như vậy, nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ tôm của các nước phát triển khá ổn định và tăng trưởng chậm.

Người nuôi được mùa nhưng còn nhiều nỗi lo – Ảnh: Thanh Nhã

Trong khi đó, tính riêng ở Việt Nam từ năm 1992 đến 2011, sản lượng tôm sú tăng gấp 3,2 lần và sản lượng TTCT tăng gấp 4,4 lần. Như vậy, tốc độ tăng của cung đã gấp đôi cầu! Song song với Việt Nam, sản lượng tôm của các nước Nam Mỹ cũng tăng nhanh không kém gì sản lượng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Đặc biệt với TTCT. Những năm được mùa, tổng sản lượng càng tăng mạnh.

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu đúc kết: “Sản lượng tôm tăng nhanh, giá trị tăng chậm hơn; nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng chậm hơn so với cung, vì vậy giá bán ngày càng giảm”.

 

Đừng nghe lời nói ngọt?

TTCT đang phát triển nhanh khắp thế giới, chưa có dấu hiệu dừng và đã xấp xỉ 3 triệu tấn/năm. TTCT từ Nam Mỹ và Nam Á đang tăng mạnh, chiếm vị trí lớn dần so với các nước ASEAN trên bản đồ cung cấp tôm loại này. Riêng tôm sú, sản lượng ổn định với khoảng 600.000 – 700.000 tấn.

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu thì Việt Nam nên ổn định sản lượng tôm sú mức 250.000 tấn (chiếm 40 – 50% tổng sản lượng toàn thế giới). TTCT chỉ nên tăng chiếm 50 – 55% sản lượng tôm cả nước, nhưng phải dự báo sớm cung – cầu và giá cả.

Có một số nông dân ĐBSCL than phiền rằng: sở dĩ diện tích và năng suất nuôi trồng tôm tăng không ngừng là do… “các công ty giống, thuốc, thức ăn… quảng cáo hay quá, khiến dân lao vào nuôi, nhưng rồi bán cho ai và giá đầu ra thế nào thì không ai biết”.

Gặp gỡ một công ty cung cấp thức ăn tôm, qua trao đổi, thì được biết các công ty này thường khuyên người nông dân nuôi trồng diện tích phù hợp, vì sự thành công của người nông dân liên quan đến thị trường của các công ty giống thức ăn. Theo vị giám đốc này thì: “người nông dân Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà nên tập trung vào chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm”. 

Một chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng trong cơ chế thị trường thì “uy tín và lợi ích đem lại cho người nông dân quan trọng hơn là sự phát triển xô bồ kiểu bong bóng”. Tình trạng sản xuất cung vượt cầu đã từng xảy ra ở nhiều nước khiến nhiều ngành sản xuất bị đình đốn thậm chí phá sản. 

Nhạy bén

Theo “Báo cáo hiện trạng và giải pháp” trong tổ chức sản xuất nuôi tôm nước lợ của Hội Nghề cá Việt Nam thì thách thức với người nuôi tôm nước lợ hiện nay là “diện tích nuôi tăng” nhưng “người nuôi tôm thua lỗ, vỡ nợ, treo ao”. Một trong những đề xuất của Hội là “theo dõi biến động thị trường ngắn hạn để hướng dẫn người nuôi lựa chọn thời điểm thả giống, đồng thời có chính sách nhập nguyên liệu chế biến khi giá bán lên cao, thu mua nguyên liệu tạm trữ khi giá xuống thấp”.

Tổng cục Thủy sản trong báo cáo đánh giá hiện trạng nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần “đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng”.

Đã đến lúc chính sách về giá cần phải được đưa vào trung tâm của vấn đề tổ chức, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ, chỉ có như vậy mới tránh được cảnh được mùa và mất giá.

Việc hạn chế người dân nuôi tôm sẽ là biện pháp khiên cưỡng và đi ngược xu thế thị trường. Vì với người dân thì: “Không nuôi tôm chúng tôi biết làm gì?”, và: “Tại sao người này được nuôi mà người kia không được nuôi?”… 

Đã đến lúc cần đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản, để người dân có thể sinh sống từ nhiều nguồn, nuôi trồng nhiều loại thủy hải sản cho thu nhập cao, không thể độc canh tôm, nhất là tôm ngoại lai mà Việt Nam không chủ động được thị trường. Ngành thủy sản TP. HCM chẳng hạn, đã phát triển nhiều loại thủy hải sản của địa phương, một số tỉnh cũng nuôi nhiều loại cá mới, một số địa phương phát triển tôm đất tự nhiên hoặc thả tôm quảng canh với sản lượng thấp nhưng giá trị cao… Đây là những bước đi khai phá cần thiết trước một thị trường tôm đang dần bão hòa.  

>> Trước hiện tượng “được mùa mất giá” người ta thường đổ lỗi cho thương lái, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy mà sâu xa hơn đó là cung đã và đang có xu hướng vượt cầu.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!