Bất cập trong quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một số quy định trong Nghị định số 09/2016/NĐ-CP được đánh giá là đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

8 năm chờ đợi

Ngay sau khi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ra đời, các hiệp hội, ngành hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại một số quy định trong đó.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19), nêu rõ “Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng: “(i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” tại điểm a khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Được biết, từ tháng 3/2023 đến tháng 1/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản (1526/VPCP-KGVX và 265/VPCP-KGVX) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà “… giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ,… khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP và Công văn 10520/VPCP-KGVX,…” và “… trình Chính phủ trong quý III/2024”.

Tuy nhiên, mới đây trong Dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì lại không đề cập việc sửa đổi Điều 6 khoản 1, Nghị định 09 quy định về sử dụng muối i-ốt và bột mỳ trong chế biến thực phẩm, như Nghị quyết 19 đã nêu!

Việc Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09 do Bộ Y tế chủ trì mang danh “sửa đổi”,… “nhưng không sửa đổi” dẫn đến nhiều bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, ngành hàng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nhiều bất cập

05 hội, hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, VASEP, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho rằng, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP: “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt “ và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, là bất cập, đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro; thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới; không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu; gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Các hội, hiệp hội cũng đánh giá hiệu quả của việc thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP đối với sức khỏe cộng đồng rất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu tới nhiều thị trường kiểm duyệt thực phẩm nhập khẩu có bổ sung vi chất sắt, kẽm, i-ốt như Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch, Philippines, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan,… Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán (Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan,…) khiến tốn thời gian và chi phí.

Dường như các cơ quan tham mưu để ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP đã không tách bạch được việc sản xuất phục vụ trong nước với việc sản xuất để xuất khẩu. Bản thân các doanh nghiệp, nhà máy hiện nay vừa phải phục vụ người dân trong nước vừa xuất khẩu đi hàng trăm thị trường quốc tế.

Trong Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” ngày 15/7/2024, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng: Chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng, không bắt buộc bổ sung các vi chất như muối i-ốt, sắt, kẽm.

Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, chi phí phát sinh trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu,… khiến công ty mất thêm 13,5 tỷ đồng/năm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP, khiến phải tổ chức các dây chuyền riêng, nguyên liệu riêng, khiến chi phí tăng cao.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc bắt buộc tất cả thực phẩm phải dùng muối có i-ốt có thể gây nguy hiểm sức khỏe cho những người thừa muối i-ốt. Trong thực tế, có khá nhiều người dân bị thừa i-ốt, mắc các bệnh cường giáp.

Quyết liệt kiến nghị

Mới đây, ngày 26/7/2024, 06 hội, hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội Sản xuất Nước mắm TP. Phú Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Điều Việt Nam đã kính gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và nhiều bộ ngành góp ý xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Các hội/hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm nêu quan điểm: Ủng hộ chủ trương của Chính phủ về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân, đó cũng chính là nhiệm vụ, mục tiêu và lợi ích của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, “vô cùng quan ngại với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP đang được Bộ Y Tế đưa ra lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 3/7/2024”, khi Dự thảo chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, cũng như bỏ qua rất nhiều ý kiến phản ánh về các bất cập và đề xuất biện pháp giải quyết của các Hội/Hiệp hội ngành thực phẩm suốt 8 năm qua.

Các Hội/Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm đề xuất giải pháp:

1. Khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm (đúng theo Nghị quyết 19), thay cho việc quy định bắt buộc như hiện nay.
2. Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
3. Cho phép các cơ sở sản xuất muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt. Yêu cầu ghi nhãn thật rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối thường dùng cho người thừa i-ốt.
Hy vọng sau 8 năm ròng rã các hiệp hội ngành hàng kiến nghị, những vấn đề bất cập về quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP sẽ được sửa đổi theo hướng hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Vissan khẳng định, nhiều nghiên cứu cho thấy dù đưa muối i-ốt vào sản xuất nhưng sản phẩm không còn i-ốt nữa do ảnh hưởng của gia nhiệt hay công nghệ chế biến,... Hay với nước mắm, nếu cho muối i-ốt vào, nước mắm sẽ biến đổi màu sắc, mất đi hương vị truyền thống.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!