Gần đây, nhiều hộ đã thả đáy, rớ… đánh bắt trong luồng tàu và khu neo tàu cảng Chân Mây, làm ảnh hưởng an toàn hàng hải.
Đánh bắt tôm hùm con ở khu vực quanh cảng Chân Mây là nghề thu lợi nhuận khá cao của người dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ đã thả đáy, rớ… đánh bắt trong luồng tàu và khu neo tàu cảng Chân Mây, làm ảnh hưởng an toàn hàng hải ở đây.
Ngư dân đánh bắt tôm hùm gần những tàu lớn ra vào cảng quốc tế Chân Mây (Ảnh: Dantri.com.vn)
Nhiều năm nay, “mỏ” tôm hùm con ở khu vực cảng Chân Mây giải quyết công ăn việc làm cho hằng trăm hộ dân ven biển xã Lộc Vĩnh. Bình quân một đêm mỗi hộ đánh bắt tôm hùm con thu lợi từ 1 – 2 triệu đồng, hộ nào trúng thu hơn 10 triệu đồng. Các thương lái đến mua tôm hùm con tận ngoài biển. Thời điểm này, có hơn 140 hộ ngư dân ở xã Lộc Vĩnh thả rớ, đáy… đánh bắt tôm hùm con ở khu vực quanh cảng Chân Mây.
Ông Nguyễn Quang Chính, Trưởng thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết: Khi diện tích đất sản xuất trên địa bàn xã Lộc Vĩnh bị thu hẹp bởi các dự án của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thì nghề đánh bắt tôm hùm con là cứu cánh cho người dân ở đây. Mùa đánh bắt tôm hùm con diễn ra từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Tuy thời gian đánh bắt ngắn, nhưng người dân thu lợi khá cao. Hiện nay tôm hùm bông con có giá 215.000 – 220.000 đồng tùy theo con. Có đêm trong nhà hai anh em, đặt khoảng 5 cái đáy, sáng ra mua được chiếc xe 18 triệu.
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tôm hùm con xuất hiện nhiều ở khu vực quanh cảng Chân Mây khoảng 10 năm trở lại đây. Do đây là vùng nước kín gió, nên tôm hùm con vào ẩn núp. Đánh bắt tôm hùm con là bài toán thoát nghèo cho nhiều hộ dân ở xã Lộc Vĩnh. Tuy vậy, nhiều hộ dân vì lợi nhuận cao đã thả rớ, đáy đánh bắt tôm hùm con trong luồng lạch tàu thuyền ra vào cảng Chân Mây, gây cản trở giao thông và an toàn hàng hải. Trong những năm qua chính quyền xã đã tịch thu hàng trăm đáy, rớ đánh bắt vi phạm của ngư dân.
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết thêm: Con giống này do ở đây có gềnh đá ngầm, khi cảng Chân Mây có bồi cái nền đất tạo thành cái bãi bồi, cho nên khi con tôm hùm bông di trú từ bãi đẻ ngoài biển vào trú ẩn thì bà co ngư dân tiến hành khai thác. Khi cơn bão số 6 năm 2006, cảng Thuận An bồi lấp thì lượng tàu vào cảng Chân Mây rất dày, cho nên ảnh hưởng rất lớn luồng lạch, có nhiều tàu bị mắc lưới.
Năm 2012, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình ngư dân vi phạm thả đáy, rớ đánh bắt tôm hùm con trong khu vực luồng lạch chạy tàu ở cảng Chân Mây đã giảm. Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán Quý Tỵ, đã tái diễn tình trạng đánh bắt vi phạm trong luồng lạch chạy tàu, ảnh hưởng đến an toàn của tàu thuyền ra vào cảng..
Ông Trần Văn Chương, Trưởng Phòng Kế hoạch – Khai thác, Công ty Trách nhiệm hữu hạn cảng Chân Mây cho biết: Trong năm vừa rồi, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, phần lớn đã xử lý được vấn đề đáy lưới làm ảnh hưởng tàu bè ra vào trên cái luồng. Thỉnh thoảng vẫn còn chưa phải triệt để lắm, cho nên vấn đề này các cơ quan ban ngành có tiếng nói thêm để cho triệt để hơn, tránh gây thiệt hại cho tàu bè ra vào cảng, cũng như doanh nghiệp cảng.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ thị nghiêm cấm đánh bắt hải sản trái phép trong phạm vi luồng tàu cảng Chân Mây, trường hợp vi phạm sẽ phạt nặng. Chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành quy định; đồng thời phối hợp với cảng Chân Mây thông báo cho tàu, thuyền ra vào cảng để tránh thiệt hại.