Bắt giam nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thủy sản VN

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều 15/6, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Lộc nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thủy sản VN- công ty TNHH MTV.

Chiều 15/6, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Lộc (SN 1958, thường trú Q.7, TP.HCM) nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thủy sản VN- công ty TNHH MTV và ông Trần Vũ Dũng, giám đốc Cty CP Biển Tây (ngụ quận 7,TP.HCM) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hải sản Biển Đông (trụ sở quận 1, TP.HCM), ông Lộc đã làm mất vốn nhà nước lên tới 150 tỷ đồng. Ông Lộc còn làm chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp Thủy sản (Seameco) (công ty con của Tổng công ty Hải sản Biển Đông). Ông Lộc được cử tham gia vào HĐQT công ty CP Biển Tây khi Seameco tham gia góp vốn vào công ty này.

Đến giữa năm 2007, Seameco lại tiếp tục cử ông Lộc làm đại diện vốn, đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long chuyên SX thức ăn thủy sản (KCN Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) khi tham gia góp vốn vào công ty này.

Lợi dụng các chức vụ đầy quyền lực này, ông Lộc đã cho ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá và chuyển tiền giữa Công ty CP Công nghiệp Thủy sản và các Công ty CP Biển Tây, Công ty CP Aquafeed Cửu Long nhưng không có văn bản báo cho HĐQT.

Hiện Công ty CP Aquafeed Cửu Long nợ Công ty CP Công nghiệp Thủy sản 113 tỉ đồng (gồm nợ gốc và lãi suất) không có khả năng chi trả (công ty CP Aquafeed Cửu Long đã ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục phá sản).

Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra ban đầu, đây mới chỉ là phần xác định được vì số lượng nguyên liệu, chứng từ nhập kho, xuất kho và việc thanh toán tiền như thế nào trong 4 năm mua bán nguyên liệu giữa Công ty CP Công nghiệp thủy sản với Công ty CP Biển Tây và Công ty CP Aquafeed Cửu Long với tổng số tiền lên đến 800 tỉ đồng vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, Tổng công ty Hải sản Biển Đông còn cho Công ty CP Công nghiệp Thủy sản vay gần 21 tỉ đồng nhưng thủ tục cho vay không đầy đủ và không hợp pháp. Công ty CP công nghiệp Thủy sản cũng đang gánh trên 140 tỉ đồng nhưng khoản nợ phải thu chỉ có 137 tỉ đồng mà hầu hết đều là “nợ xấu”.

Tại công ty CP Công nghiệp thủy sản, ông Lộc và các trợ lý đã tự ý giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 59% xuống còn 46% bất chấp qui định của nhà nước dẫn đến việc nhà nước không còn chi phối, nên công ty này hoạt động chệch hướng chiến lược của Tổng công ty, kéo theo nhiều sai phạm nghiêm trọng.

V.Đ.P

Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!