(Thủy sản Việt Nam) – Truyền thông những ngày qua, nóng về giống thủy sản kém chất lượng. Trên tờ báo của Bộ NN&PTNT liên tục dùng đến từ “bát nháo”. Nổi bật đầu trang những tựa đề: “Bát nháo tôm giống”, “Bát nháo giống thủy sản – Tôm chết do giống”, “Bát nháo giống thủy sản – Không kiểm soát nổi”.
Vựa tôm ở ĐBSCL mới thả giống, khắp nơi đã bàng hoàng vì tôm giống chết. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang mỗi tỉnh thiệt hại nhiều nghìn héc-ta, hàng chục triệu con tôm giống 20-30 ngày bị chết. Từ nuôi quảng canh đến thâm canh đều bị thiệt hại và nguyên nhân chính được chỉ đích danh: tôm giống kém chất lượng. Biểu hiện tập trung bệnh đốm trắng và hoại tử tụy gan.
Tôm giống kém chất lượng đã được báo động nhiều năm, thật đáng lo ngại khi tình hình không được cải thiện mà ngày càng “bát nháo”. Trước hết, do cung không đủ cầu. Mỗi năm, ĐBSCL cần 30-35 tỷ con tôm giống (cả sú và thẻ chân trắng) nhưng tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 30%, còn lại phải nhập từ nhiều nơi. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước và số lượng cơ sở sản xuất tôm giống cũng nhiều, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, tỉnh Kiên Giang chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Trước số lượng lớn tôm giống từ nơi khác đưa, đến nay, lãnh đạo tất cả các địa phương ở ĐBSCL đều nói “không kiểm soát được”. Do tôm giống có hàng trăm loại, nhập về hàng trăm ngả, mà lực lượng kiểm soát lại ít với trang thiết bị thiếu. Tỉnh Trà Vinh kiểm dịch tôm giống nhập về có khá hơn các địa phương khác, vừa qua kiểm dịch được 42% lượng tôm giống nhập và phát hiện 29% mẫu tôm nhiễm bệnh. Chứng tỏ chất lượng tôm giống rất kém. Kỹ sư Phạm Tuấn Tú, phụ trách thủy sản xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang, Trà Vinh), cho biết, tôm sú giống bị bệnh chiếm 40-50%. Ông Nguyễn Văn Đảo, một hộ nuôi tôm ở xã Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau) nói, trong hai năm nay “thả bao nhiêu chết bấy nhiêu”. Đa số người nuôi tôm cho biết, giống thả nuôi sống được 30-40% “là mừng rồi”.
Ở phía Bắc, người nuôi trồng thủy sản cũng đang bị sự “bát nháo giống” quay trong vòng mê hồn trận. Điển hình là trước cổng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I ở xã Ðình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có nhiều cơ sở bán giống thủy sản quảng cáo “giống của Viện”, nhưng thực tế, Viện chưa có giống đưa ra. Một cán bộ của Viện trả lời truyền thông, thời điểm hiện nay chưa sản xuất giống mà đang nghiên cứu sản xuất đàn cá bố mẹ, hết vụ nghiên cứu mới sản xuất giống.
Ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, thừa nhận mới chỉ kiểm soát được 7 cơ sở sản xuất giống có phép, còn lại các cơ sở nhỏ lẻ thì “không kiểm soát được”. Nên ông Nguyễn Văn Hùng ở Phố Mới (Quế Võ, Bắc Ninh) than thở, vụ nuôi năm trước lỗ nặng vì giống chậm lớn, năm nay cất công tìm giống tốt nhưng không biết đâu mà lần.
Sáu Nghệ